Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện một số nhiệm vụ; giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội theo yêu cầu tại công văn số 2176/VPCP-KTTH.
Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể ở doanh nghiệp, cấp ngành và nhóm doanh nghiệp để xây dựng môi trường ổn định trong quan hệ lao động.
Đồng thời, đôn đốc theo dõi, cập nhật, đối chiếu, báo cáo về tranh chấp lao động, đình công; đề xuất, hỗ trợ triển khai các biện pháp xử lý vụ việc phát sinh, sớm ổn định tình hình.
Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng, triển khai Đề án phát triển quan hệ lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 109 của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 41/TTg-QHĐP.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công (hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động), thúc đẩy giải quyết tranh chấp lao động, đình công theo đúng quy định.
Trong năm 2024, Bộ tiếp tục thực hiện vai trò thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia để đánh giá mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng và mức lương thị trường. Những yếu tố này sẽ là cơ sở để đưa ra khuyến nghị về lương tối thiểu vùng phù hợp.
Theo đó, từ ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã điều chỉnh mức lương tối thiểu theo tháng tăng 6%, với các mức: Vùng I là 4,96 triệu đồng; Vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng; Vùng IV là 3,45 triệu đồng.
Mức điều chỉnh này đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của người lao động trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức.
Song song, Bộ cũng đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng lao động thông qua các giải pháp đào tạo nghề. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ xây dựng các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên toàn quốc, tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và các kỹ năng phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cùng với đó, Bộ sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo lại lao động, giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực cục bộ, tạo việc làm bền vững và hỗ trợ đặc biệt cho lao động trên 35 tuổi bị mất việc làm.
Ngoài ra, hệ thống thông tin thị trường lao động cũng sẽ được hoàn thiện, tập trung vào việc phân tích nhu cầu tuyển dụng, đào tạo và xu hướng dịch chuyển lao động. Bộ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với từng ngành nghề, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
Những giải pháp toàn diện này không chỉ giúp cải thiện điều kiện sống của người lao động mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định của quan hệ lao động tại Việt Nam trong giai đoạn mới.