Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Đón cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mặc dù có nhiều cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa nhiều doanh nghiệp Việt tận dụng được cơ hội này.

Bởi đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thường có quy mô nhỏ, khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa chú trọng đầu tư vào dây chuyền công nghệ.

Đón cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - 1
Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn quốc, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Các doanh nghiệp này đang cung cấp sản phẩm như dây cáp điện, hộp số, linh kiện nhựa, phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, ô tô, dệt may.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ sức phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp cũng đã có sự cải thiện rõ nét.

Trong lĩnh vực dệt may và da giày, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%. Đối với ngành cơ khí chế tạo, tỷ lệ này đạt khoảng 15 - 20%, trong khi sản xuất và lắp ráp ô tô dao động từ 5 - 20%. Những con số này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước xây dựng uy tín và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam có cơ hội lớn để thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhờ vào lực lượng lao động trẻ dồi dào. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã thực hiện chiến lược chuyển dịch sản xuất đến gần hơn với thị trường tiêu thụ, đây là cơ hội để Việt Nam có thể gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng đã bắt đầu cải thiện trình độ sản xuất, từ đó nâng cao khả năng cung cấp sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và độ chính xác tốt. 

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, song quy mô và năng lực của đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp trên chưa đủ lớn để tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ qua việc nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả lẫn chất lượng.

Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế, đòi hỏi giải pháp hiệu quả để nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và hội nhập ngày càng sâu rộng song doanh nghiệp nội địa vẫn chưa thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên do bởi trình độ công nghiệp còn thấp, Việt Nam vẫn cơ bản là sản xuất gia công, chưa chạm được nhiều đến tự động hóa, số hóa; hệ thống chuỗi công nghiệp chưa rõ ràng.

Các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự tạo được sự liên kết công nghiệp giữa trong nước và thế giới; chưa thật sự dẫn dắt được chuỗi công nghiệp của doanh nghiệp, tập đoàn thế giới vào Việt Nam.

Ngoài ra, năng lực doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào công đoạn cao (upstream) trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư núp bóng.

Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, định vị thị trường và khách hàng mục tiêu.

Từ đó, tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm phù hợp cho từng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu bài bản để có thể thích ứng với yêu cầu của nhà phân phối khi tham gia chuỗi cung ứng. 

Cùng đó, doanh nghiệp cần nỗ lực xanh hóa sản xuất, đảm bảo minh bạch truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi giá trị; chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Khi hiểu được khách hàng, đổi mới sản phẩm và biết cách kể về doanh nghiệp và sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu sẽ tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ sức phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành công nghiệp cũng đã có sự cải thiện rõ nét.

Trong lĩnh vực dệt may và da giày, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%. Đối với ngành cơ khí chế tạo, tỷ lệ này đạt khoảng 15 - 20%, trong khi sản xuất và lắp ráp ô tô dao động từ 5 - 20%. Những con số này cho thấy, các doanh nghiệp trong nước đang từng bước xây dựng uy tín và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 127