Tiếp tục chương trình làm việc ngày 13/11, Quốc hội nghe Tờ trình và thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam.
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, dự án đề xuất 24 chính sách đặc biệt, gồm 19 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Đảm bảo nhu cầu vận tải Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam;
Trong đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã đánh giá, với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc đầu tư dự án sẽ hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng; Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao;
Tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế;
Tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức; tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ;
Phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự án đầu tư phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt, quy hoạch của các ngành, vùng và các địa phương có liên quan.
Về mục tiêu đầu tư, Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng tuyến ĐSTĐC nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyến ĐSTĐC bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TPHCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.540km.
Về quy mô đầu tư, Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác ĐSTĐC.
Cần làm rõ tính khả thi, hiệu quả kinh tế của dự án
Thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án ĐSTĐC, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính khả thi, hiệu quả của việc tính toán giá vé bằng 60 - 70% giá vé bình quân các hãng hàng không đang khai thác trên cùng chặng.
Bên cạnh đó, cơ quan này đề nghị làm rõ cách tính giá vé toàn chặng, so sánh với các tuyến ĐSTĐC tương tự của các quốc gia trên thế giới, trong khi Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ và phải nhập khẩu, đầu tư nhiều hạng mục có thể dẫn đến giá vé cao hơn thực tế.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị bổ sung, đánh giá toàn diện hơn đối với phương án tài chính của dự án trong giai đoạn vận hành, khai thác đặt trong tổng thể nhu cầu nguồn vốn đầu tư công và bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt cao tốc.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cơ bản đồng tình với chủ trương xây dựng ĐSTĐC Bắc - Nam. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn.
Đại biểu dẫn ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng tuyến đường sắt Bắc - Nam quá dài, mật độ dân cư dọc tuyến không đủ cao, không đủ để huy động khách đi tàu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lo lắng về vấn đề công nghệ, nếu sử dụng hoàn toàn công nghệ nước ngoài rất dễ phụ thuộc, khả năng đội vốn cao, có thể xảy ra nguy cơ thua lỗ.
Băn khoăn về việc đầu tư 1,7 triệu tỷ đồng mà chủ yếu để chở hành khách, chỉ chở hàng hóa khi cần thiết, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng nếu chỉ chở hành khách thì vấn đề đảm bảo chi phí rất khó khả thi.
“Tôi ủng hộ chủ trương nhưng hết sức băn khoăn và lo lắng về hiệu quả kinh tế. Tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh thành, mật độ dân cư không quá đông, nếu chạy ở tốc độ 350km/h thì di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM mất khoảng 6 - 7 giờ dự kiến mức giá 2 triệu đồng/vé so với hàng không giá rẻ như Vietjet rất khó cạnh tranh.
Mặc khác, báo cáo của Chính phủ dự kiến khi hoàn thành, 14% người dân lựa chọn phương tiện vận tải này trong khi hiện nay số người lựa chọn đường sắt chỉ chiếm 1%, cơ sở nào để đưa ra tỷ lệ này?”, đại biểu Thạch Phước Bình đặt câu hỏi và đề xuất, phương án đầu tư nên kết hợp nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó, tốc độ 250km/h vừa chở khách vừa chở hàng sẽ hợp lý hơn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc triển khai ĐSTĐC sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước chứ không tập trung vào địa phương nào, đặc biệt là thúc đẩy phát triển logistics hàng hóa Bắc - Nam, không còn những điểm nghẽn giao thông như hiện nay.
Theo chủ trương dự án thì vận chuyển hành khách còn hàng hóa chỉ vận chuyển khi cần thiết, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án phải vận tải hành khách lẫn hàng hóa để bảo đảm hiệu quả.
Ngoài ra, chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm thời gian khánh thành như dự kiến, để chủ động trong việc vận hành cũng như không lệ thuộc vào thiết bị của nước ngoài.
Về thời gian xây dựng dự án, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc lựa chọn đề xuất cơ bản hoàn thành khoảng 1.540km trong vòng 10 năm (2025 - 2035) là mốc tiến độ đặt ra khá cao và cũng là mong muốn chung.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để bảo đảm tính khả thi cần kèm theo hàng loạt cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ mới có thể đạt kết quả; ngoài ra cần lưu ý về thời gian xây dựng cũng như việc đội vốn của dự án…
Châu Giang
Báo Lao động và Xã hội số 137