Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Không để doanh nghiệp "né" tăng lương

Bên cạnh cam kết thực hiện đúng Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng, các cấp công đoàn sẽ nâng cao vai trò giám sát để đảm bảo quyền lợi của người lao động

 

Cơ chế giám sát phải chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 153/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, từ ngày 1-1-2017, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp tăng thêm từ 180.000 - 250.000 đồng/tháng (trung bình tăng khoảng 7,3%) so với trước đó.

Niềm vui của người lao động

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Hàng năm, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm bù đắp sự trượt giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng năng suất lao động và đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Theo kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu vẫn đang ở ngưỡng thấp khiến cuộc sống của công nhân tại các khu công nghiệp quá chật vật. Mức tăng 7,3% - tăng chậm nhất trong một thập kỷ dù chưa đáp ứng được kỳ vọng, nhưng với bất cứ người lao động nào, tăng lương vẫn luôn là điều họ mong mỏi.

Làm việc tại một công ty chuyên gia công hàng may mặc hoạt động trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Thức chia sẻ: “Nhận được thông báo tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, chúng tôi rất vui mừng. Đời sống của người lao động còn thấp, trước mắt, việc có thêm vài trăm nghìn đồng mỗi tháng cũng giúp công nhân trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Hơn nữa, tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp phải đóng BHXH cho người lao động theo mức mới, khi về hưu chúng tôi sẽ được hưởng lương hưu cao hơn”.

Không được lạc quan như anh Nguyễn Văn Thức, chị Bùi Hồng Nhung, công nhân làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn Đông Anh băn khoăn: “Do thời gian thực hiện tăng lương tối thiểu vùng gần trùng với thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán 2017, để đối phó với quy định tăng lương, doanh nghiệp rất có thể sẽ cắt giảm một số khoản hỗ trợ, thậm chí cả tháng lương thứ 13 để bù đắp chi phí phát sinh”.

Công đoàn chủ động vào cuộc

Để bảo vệ quyền lợi, kịp thời trấn an tâm lý cho người lao động yên tâm sản xuất, chuẩn bị đón Tết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn các tổng công ty trực thuộc phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, kịp thời nắm bắt tình hình chính sách tiền lương, thưởng ở các doanh nghiệp, bảo đảm đời sống cho người lao động, ổn định tình hình trong dịp Tết. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định, công đoàn cơ sở cần chủ động giám sát việc thực hiện tăng lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp “né” quy định của pháp luật, thực hiện tăng lương bằng cách cắt giảm thưởng hoặc phụ cấp. Với cơ chế giám sát chặt chẽ, doanh nghiệp khó có thể trốn tránh thực hiện việc điều chỉnh tăng lương.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng mới, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. 

Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng phải đảm bảo nguyên tắc tổng thu nhập của người lao động gồm tiền lương, phụ cấp phải tăng lên. Do đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu công đoàn cơ sở phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp, xác định mức điều chỉnh trong thang lương, bảng lương của doanh nghiệp và mức lương ghi trong hợp đồng lao động, đảm bảo thực hiện quy định tăng lương. Bên cạnh đó, phải rà soát, xem xét các lại các khoản phụ cấp, trợ cấp mà doanh nghiệp đã thỏa thuận với người lao động trong hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể.