Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Người dân lo giá cả tăng theo giá điện, doanh nghiệp lo lợi nhuận “teo tóp”

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Mặc dù các chuyên gia và ngành điện đều khẳng định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này chỉ “ảnh hưởng vừa phải” nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn không khỏi lo lắng.

Bởi vì bất cứ mặt hàng nào tăng giá cũng ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống kinh tế xã hội.

Người tiêu dùng lo chi phí tăng kép

Từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, nâng tổng mức tăng giá điện trong gần 2 năm qua lên trên 12%. Không chỉ lo hóa đơn tiền điện tăng, nhiều người còn bày tỏ lo lắng những chi phí sinh hoạt khác sẽ "leo thang" do tác động từ việc tăng giá điện. 

Về tác động đến các hộ tiêu dùng điện, theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến hộ nghèo bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện được thực hiện theo Quyết định số 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Người dân lo giá cả tăng theo giá điện, doanh nghiệp lo lợi nhuận “teo tóp” - 1
 Người dân lo lắng giá cả sinh hoạt sẽ tăng theo giá điện.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt dưới 200kWh/tháng, chiếm 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt, với mức tăng 4,8% bình quân tăng 13.800 đồng/tháng/hộ; từ 200 - 300kWh tăng khoảng 32.000 đồng, từ 300 - 400kWh là 47.000 đồng và trên 400kWh tăng khoảng 62.000 đồng. 

Ở góc độ người dân, chị Hoàng Xuân Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, tăng giá điện là điều khó tránh. Tuy nhiên, với người dân, nhất là người thuê trọ thì chi phí sinh hoạt sẽ bị tăng thêm một khoản lớn.

Theo tính toán của chị Hương: “Thu nhập của hai vợ chồng không thay đổi nhưng khi giá điện tăng thì chi phí sinh hoạt sẽ tăng đáng kể. Không chỉ tiền điện mỗi tháng phải trả cao hơn trước mà điều chúng tôi lo lắng nhất là giá cả hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo”.

Dù đã sử dụng nhiều thiết bị tiết kiệm điện cũng như sử dụng điện tiết kiệm hơn nhưng hóa đơn tiền điện tháng 9 của gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (Long Biên, Hà Nội) là 850.000 đồng. Khi giá điện tăng, hóa đơn tiền điện sẽ tăng, kéo theo đó là sinh hoạt phí bị đội lên nhiều.

“Cứ mỗi lần giá điện tăng thì nhiều hàng hóa sẽ tăng theo. Với những gia đình làm công ăn lương hay hưởng lương hưu như chúng tôi mỗi khi tiền điện tăng lại phải tìm cách cân đối chi tiêu sao cho hợp lý. Đến bìa đậu phụ hay chiếc bánh mỳ cũng tăng giá vì chi phí đầu vào tăng, áp lực từ chi phí sinh hoạt tăng nên buộc họ cũng phải tăng lợi nhuận…”, bà Hiền nói.

Doanh nghiệp lo lợi nhuận “teo tóp”

Cùng với điều chỉnh giá điện sinh hoạt, mức giá bán lẻ điện mới áp dụng cho các ngành sản xuất cũng có sự điều chỉnh.

Ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) cho rằng, với doanh nghiệp (DN) sử dụng năng lượng điện nhiều và chi phí điện năng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm thì đợt tăng giá này sẽ tác động lớn đến bài toán chi phí của DN. Để thích ứng trong lúc này buộc DN phải thích nghi bằng cách tự cắt giảm chi tiêu và chi phí.

Theo ông Bạch Hồng Long, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty May 10, chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo sang thị trường châu Âu. Dây chuyền máy móc tiêu thụ lượng điện năng lớn nên khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% đã tạo áp lực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh buộc DN phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh...

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi do áp lực đầu vào của sản xuất điện. Tuy nhiên, việc tăng ở thời điểm này cũng là thách thức, khó khăn cho DN do chịu cạnh tranh lớn về mặt thị trường, đơn hàng thiếu hụt và mới hồi phục.

Do vậy, giá điện tăng ảnh hưởng khá nhiều đến ngành dệt may. Để thích ứng với việc tăng chi phí sản xuất, trong đó có giá điện, DN đặt ra các giải pháp cho mục tiêu phát triển, trong đó sử dụng điện mặt trời (điện áp mái).

Một số DN như May 10, Việt Tiến… đã đầu tư điện áp mái để giảm chi phí điện. Từ thách thức của tăng giá điện các DN ngành dệt may cũng phải thắt chặt các khoản đầu tư vào chi phí để làm sao cân bằng được giá thành, đảm bảo cạnh tranh với các DN trong khu vực.

Theo Tổng cục Thống kê, giá điện cứ tăng 10% sẽ tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,33%. TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận xét, với ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo giá thành, giá bán ảnh hưởng theo.

"Giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%, chi phí điện vào giá vốn bán hàng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng. Các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và hoạt động ăn uống phục vụ tết theo đó sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đơn hàng xuất khẩu tăng sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tăng. Thế nên, doanh nghiệp sản xuất lại thêm một quý cuối năm chật vật. Cố gắng co kéo lắm mới giữ được chút lợi nhuận", tiến sĩ Việt cho hay.

Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc tăng giá điện vào cuối năm sẽ gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa biến động, tăng theo giá điện. Giá cả một số mặt hàng có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng. Thế nên, cơ quan quản lý giá hết sức chú ý và ngăn chặn ngay hành vi "tát nước theo giá điện" từ nay đến cuối năm.

Khánh Linh

Báo Lao động và Xã hội số 125