Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Tiền lương - Tiền công

Nhọc nhằn nghề xiếc: Cần chế độ đãi ngộ hợp lý để nghệ sĩ nỗ lực giữ nghề

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Phía sau tấm màn nhung, các nghệ sĩ xiếc phải trải qua quá trình khổ luyện gian nan, nguy hiểm, thậm chí đánh đổi cả tính mạng…

Thế nhưng, thu nhập của họ lại rất eo hẹp, nhiều nghệ sĩ phải chấp nhận “chân trong, chân ngoài” để sống với đam mê nghề.

Xiếc cũng như những bộ môn nghệ thuật khác, muốn phát triển, tỏa sáng và giữ chân được nghệ sĩ tài năng thì cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, bảo đảm cuộc sống, tạo động lực cống hiến và nuôi dưỡng đam mê cho nghệ sĩ.

Khi nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề

Nhọc nhằn nghề xiếc: Cần chế độ đãi ngộ hợp lý để nghệ sĩ nỗ lực giữ nghề - 1
NSND Tống Toàn Thắng đào tạo diễn viên xiếc.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, để nghệ thuật xiếc phát triển mạnh mẽ và bền vững phải có sự thay đổi trong chế độ đãi ngộ. Đặc thù nghệ sĩ xiếc rất vất vả, lao động cường độ cao nhưng đầu ra khi tốt nghiệp trường xiếc chỉ là bậc trung cấp, mức lương khởi điểm hạng 4 - quá thấp so với tài năng, cống hiến của họ.

Bên cạnh đó, chế độ bồi dưỡng chưa được thỏa đáng để ngành xiếc có thể kêu gọi, thu hút được nhân lực trẻ, tài năng. Và khi hết thời kỳ đỉnh cao, nghệ sĩ xiếc rất cần sự quan tâm hơn nữa của các ban, bộ, ngành để có cơ chế đặc thù, mức lương bảo đảm cuộc sống.

Thực tế, trong chương trình trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào tháng 6, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã đề xuất giảm độ tuổi nghỉ hưu cho viên chức lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có diễn viên xiếc. Theo đó, Bộ trưởng đề xuất rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho nghệ sĩ biểu diễn sau thời kỳ đỉnh cao; đồng thời nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”…

Mới đây, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời câu hỏi của đại biểu về việc đầu tư cho công tác đào tạo, chính sách đãi ngộ, chế độ tiền lương cho các vận động viên thể thao cũng như các diễn viên còn rất thấp nên chưa thu hút được tài năng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ đang đề nghị Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ đối với vận động viên, nghệ sĩ để thu hút tài năng.

Nhọc nhằn nghề xiếc: Cần chế độ đãi ngộ hợp lý để nghệ sĩ nỗ lực giữ nghề - 2
Mỗi tiết mục đều đỏi hỏi sự khổ luyện.

Trước đó, trong quá trình triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó Bộ LĐ-TB&XH đã có ý kiến: "Không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề. Các cơ quan, đơn vị sử dụng cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp để tiếp tục sử dụng và phát huy kinh nghiệm, sức lao động của người lao động".

Trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ VH-TT&DL đã hoàn thiện và có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó có nêu các chính sách về tuổi nghỉ hưu, đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hướng đi mới về tìm nguồn nhân lực kế cận

Để giải bài toán về nguồn nhân lực của Liên đoàn Xiếc nhiều năm qua, NSND Tống Toàn Thắng cho biết, trong lúc chờ nguồn nhân lực trẻ kế cận, Liên đoàn Xiếc đã và đang phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện có.

“Đa phần nghệ sĩ của Liên đoàn  tuổi nghề cao nhưng vẫn có khả năng đứng trên sân khấu, chúng tôi vẫn phải truyền lửa để họ tiếp tục theo đuổi nghề. Cùng với đó, chúng tôi định hướng diễn viên tập luyện đa năng. Nếu trước đây, mỗi diễn viên chỉ cần tập thuần thục một tiết mục biểu diễn thì giờ có thể diễn nhiều tiết mục. Điều này vừa tạo cảm hứng sáng tạo, vừa tăng thêm thu nhập cho diễn viên. Ngoài ra, những gì nghệ sĩ xiếc không làm được thì chúng tôi mời cộng tác viên làm thời vụ”, NSND Tống Toàn Thắng nói. 

Nhọc nhằn nghề xiếc: Cần chế độ đãi ngộ hợp lý để nghệ sĩ nỗ lực giữ nghề - 3

Tuy nhiên, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Tương lai, Liên đoàn có chiến lược mới ngoài việc trông chờ đào tạo trong trường xiếc sẽ tìm nguồn bằng cách tìm kiếm tài năng xiếc nhí.

“Chúng tôi đang phối hợp các câu lạc bộ để xây dựng đội ngũ tài năng nhí, gieo vào các em tình yêu nghề, đam mê nghệ thuật xiếc ngay từ khi còn nhỏ. Và bản thân các nghệ sĩ trong Liên đoàn cũng phải dành nhiều thời gian, công sức để dạy các em miễn phí. Năm 2023, chúng tôi đã đưa một em đi thi Liên hoan tài năng Xiếc trẻ tại Nga và đã tạo ấn tượng đặc biệt. Chiến lược là đưa các bé đến với những cuộc thi tài năng trong nước và quốc tế, nuôi dưỡng đam mê từ các sàn diễn lớn… để có cơ hội trở thành tài năng xiếc trong tương lai”.

Cũng theo ông Tống Toàn Thắng, xiếc là ngành đào tạo rất kỳ công. Nếu đào tạo tại chỗ, các bạn nhỏ được tiếp cận với những chương trình biểu diễn, từ đó sẽ ngấm dần và tạo được phong cách chuyên nghiệp ngay từ nhỏ. Những tài năng đó sẽ trở thành những ngôi sao trong tương lai, cùng với tình yêu nghề của những nghệ sĩ xiếc sẽ truyền lại thế hệ trẻ, góp phần phát triển bền vững ngành xiếc.

Tín hiệu vui…

NSƯT Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, mùa tuyển sinh năm nay, trường chọn được 48 học viên (chỉ tiêu trung bình 35 học viên). Để có được con số này, khoảng 10.000 thí sinh tham gia vòng sơ tuyển, tiếp đó 400 em được chọn vào vòng chung tuyển và phúc tuyển, sàng lọc qua các vòng và cuối cùng tuyển được 48 em.

Lâu nay, công tác tuyển sinh chỉ thu hút thí sinh vùng sâu, vùng xa thì năm nay, lượng thí sinh đến từ nội thành tăng cao, trong đó nhiều em đến từ những gia đình cán bộ, viên chức. Đây là tín hiệu vui cho thấy cách nhìn của cộng đồng với nghề xiếc dần cởi mở hơn.

Nhọc nhằn nghề xiếc: Cần chế độ đãi ngộ hợp lý để nghệ sĩ nỗ lực giữ nghề - 4
Phía sau tấm màn nhung, các nghệ sĩ xiếc phải trải qua quá trình khổ luyện dài ngày đầy gian nan, thử thách.

Theo ông Thắng, việc đào tạo nghệ thuật xiếc rất cần sự thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu của toàn xã hội, ngay cả với bậc phụ huynh để thuyết phục họ cho con em làm diễn viên xiếc cũng rất khó. Đối tượng tuyển sinh là các em 11 tuổi nên trường phải có chế độ bảo mẫu 24/7.

Nhiều năm nay, trường phải đi tuyển sinh ở nhiều vùng nhưng khi học sinh thích học thì cha mẹ lại có tâm lý lo sợ nghề xiếc nguy hiểm, quá trình đào tạo khắc nghiệt. Trường đã phải tư vấn, thuyết phục, thậm chí mời gia đình lên tận trường tham quan, tìm hiểu quy trình đào tạo, cơ sở vật chất và chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh xiếc. 

“Thực tế, sau khâu tuyển sinh, những khó khăn và cả bất cập liên quan tới việc đào tạo nghề xiếc đã được nhắc đến nhiều. Đó là việc thí sinh được đào tạo dài (5 năm so với   18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng lại có tuổi nghề ngắn. Một giáo viên bình thường đứng lớp ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất có 30 - 40 em/lớp. Nhưng do yêu cầu đặc thù, lớp xiếc đôi khi một thầy dạy một học sinh trong suốt 5 năm cho một thể loại tiết mục. Hơn thế, tấm bằng trung cấp khiến các em ra trường quá thiệt thòi, trong khi để trở thành diễn viên xiếc phải có năng khiếu, tài năng…”, ông Ngô Lê Thắng chia sẻ.

Để giải quyết căn bản sự bất cập giữa trình độ cao và bằng cấp thấp, chế độ đãi ngộ thấp, ông Ngô Lê Thắng cho biết, trường đã quyết tâm nâng cấp lên bậc cao đẳng giúp học sinh có đủ hành trang, kiến thức và cả sự tự tin khi dấn thân vào con đường làm nghệ thuật. Trường đã trình Đề án nâng cấp lên cao đẳng chờ Bộ VH-TT&DL và Bộ   LĐ-TB&XH phê duyệt.

Duy Linh - Minh Vũ

Báo Lao động và Xã hội số 119