Lạc hậu vẫn phải chờ quy trình?
Tại Kỳ họp Quốc hội mới đây, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, quy định về mức giảm trừ gia cảnh tính thuế TNCN đã quá lạc hậu. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn.
Nếu phải chờ thêm 2 năm nữa (năm 2026) mới thông qua việc sửa đổi quy định thì rất nhiều người dân dù phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.
Do đó, bà Thủy kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Thuế TNCN vào tháng 10 để thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong việc tính thuế thu nhập theo giỏ hàng hóa chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI). Theo quy định Điều 19 của Luật Thuế TNCN, khi chỉ số CPI biến động trên 20% (tức là dựa trên giỏ hàng hóa gồm 750 mặt hàng) thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ trên 20 mặt hàng. Nếu phải chờ tính trung bình mức giá của 750 mặt hàng sẽ phải rất lâu mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, thậm chí 6 - 7 năm.
Nhưng cũng như nhiều lần trước trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, đang thực hiện đúng luật. Hiện Bộ Tài chính chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh để nộp thuế là 11 triệu đồng cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo số liệu của Tổng cục Thống kê chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định.
Mặc dù thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN không còn phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao song Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo kế hoạch năm 2025.
Bộ Tài chính mới bắt đầu sửa Luật Thuế TNCN, lúc đó mới xây dựng lại yếu tố về giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ, rồi Chính phủ sẽ trình Thường vụ Quốc hội. Dự kiến sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi thì đến năm 2026, các quy định hiện tại mới được thay đổi.
Bình luận về vấn đề này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính cho biết: "Đúng là luật quy định CPI không quá 20% thì không sửa mức giảm trừ gia cảnh nhưng như thế thì Bộ Tài chính lại thiếu lắng nghe".
Theo PGS, TS Thịnh, thu nhập người dân được cải thiện thì đồng nghĩa với việc mức chi tiêu, mức sống của người dân cũng tăng theo.
"Không có lý gì mà kinh tế tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng mà mức sống bình quân của xã hội lại giữ nguyên. Đó là nguyên tắc để điều chỉnh thuế. Làm đúng luật thì an toàn nhưng cần nhìn nhận rằng, chúng ta phải tích cực chủ động thay đổi để quy định phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với sự phát triển của xã hội", PGS, TS Thịnh bình luận.
Không nên chần chừ
Theo ông ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nếu chờ đến năm 2025 mới đưa ra mức giảm trừ gia cảnh, qua năm 2026 mới áp dụng Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung thì mức giảm trừ gia cảnh lại càng lạc hậu.
Từ sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng cắt giảm chi phí nhiều để tồn tại, trong đó có cả lương của người lao động. Thêm vào đó, giá cả hàng thiết yếu tăng cao nhưng thuế thu nhập cá nhân không có sự điều chỉnh, làm cho đời sống người dân thêm khó khăn
Ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, với mức lương tối thiểu tăng lên, nên xem xét thực hiện giảm trừ gia cảnh theo tỷ lệ mức lương tối thiểu vùng hay hỗ trợ người lao động bằng chính sách miễn, giảm thuế TNCN như đã từng áp dụng năm 2019.
Cách nhanh nhất giải quyết cho những tồn tại hiện nay là giảm thuế TNCN 50% cho 6 tháng cuối năm. Điều này không những hỗ trợ người nộp thuế mà còn góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước.
Còn về lâu dài, ông Nghĩa cũng cho rằng, việc sửa mức giảm trừ gia cảnh cần dựa theo lương tối thiểu thay vì chỉ dựa vào chỉ số CPI. Bởi mức lương tối thiểu là phù hợp khi xác định mức giảm trừ gia cảnh vì có tính pháp lý, dựa trên sự đồng tình của người lao động, người sử dụng lao động, được cập nhật theo tình hình thực tế cũng như thể hiện sự công bằng (lương được tính theo từng khu vực). Mức giảm trừ gia cảnh có thể bằng 4 lần lương tối thiểu.
Ví dụ, TPHCM có mức lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng, mức giảm trừ gia cảnh sẽ khoảng 19 triệu đồng, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như hiện nay. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 40% mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế, tính ra gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Cần thay đổi cách tính thuế TNCN
Đánh giá về Luật Thuế TNCN hiện nay, TS Nguyễn Quốc Việt, Viện phó Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chỉ căn cứ vào CPI là rất lạc hậu. Theo ông Việt, chi tiêu của mỗi hộ gia đình ở từng khu vực khác nhau nhưng Việt Nam áp mức chung trên cả nước là vô lý. Bước tính thuế quá gần nhau và nhiều bậc, quá nhanh, không tạo điều kiện cho người dân tích lũy, tạo thu nhập công khai chính đáng.
Chỉ số giá tiêu dùng có độ vênh lớn giữa thành thị và nông thôn. Trong khi đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê sử dụng số liệu CPI với rổ hàng hóa hơn 700 hàng hóa, trên vùng miền cả nước là chưa hợp lý”, ông Việt đánh giá.
Ông Việt dẫn ví dụ lĩnh vực y tế, giá dịch vụ y tế trong bệnh viện công lập đã có sự chênh lệch lớn giữa giá dịch vụ y tế chi trả tự nguyện và giá niêm yết bảo hiểm y tế và tính CPI. Nếu chỉ nhìn vào CPI và mức độ tăng giá thì không phải là cơ sở chắc chắn để làm căn cứ đưa ra mức giảm trừ gia cảnh. Chi phí cho một trẻ em đi học lớn hơn nhiều lần mức học phí.
Khi Covid-19 xảy ra, học phí được miễn giảm nhưng chi phí khác như học thêm, học tiếng Anh, đưa đón, đồng phục tăng lên rất nhiều. Nếu dựa vào CPI công bố để giảm trừ gia cảnh là quá lạc hậu. Cơ quan chức năng cần có nghiên cứu phù hợp với chuyển dịch thu nhập từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình hiện nay.
TS Nguyễn Quốc Việt kiến nghị, cơ quan chức năng cần có giải pháp tổng thể để sửa đổi Luật Thuế TNCN theo hướng mở rộng cơ sở thu thuế. Mức đóng thuế cũng cần bớt bậc lũy tiến, thủ tục đơn giản hơn và mức đóng thuế vừa phải để người lao động cảm thấy nhẹ nhàng và sẽ chủ động đóng thuế.
Trong khi đó, PGS, TS Đỗ Trọng Thịnh cho rằng, để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp và giảm bớt gánh nặng cho người dân, chúng ta không những phải sửa luật mà còn phải cải cách toàn bộ về luật.
Thay đổi ngay từ cách tính toán dựa như dựa trên mức sống bình quân cũng như khả năng nâng cao trình độ, các yếu tố liên quan đến thu nhập và lạm phát để ra được chính sách thuế mới phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay của thế giới; đồng thời, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên từ 18 đến 20 triệu đồng và khoảng 9 đến 10 triệu đồng cho một người phụ thuộc".
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số 97