Sáng ngày 13/9, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương về việc triển khai một số nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới.
Cùng dự có Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể các cán bộ công chức, viên chức của Cục.
Nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Báo cáo với lãnh đạo Bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm và phương hướng 4 tháng cuối năm 2024, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng cho biết, năm nay Cục Quan hệ lao động và Tiền lương được giao nhiệm vụ xây dựng 6 văn bản pháp luật, bao gồm 3 Nghị định và 3 Thông tư.
Đến thời điểm hiện tại, Cục đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 văn bản, gồm 1 Nghị định và 1 Thông tư, đúng theo tiến độ.
Đồng thời, Cục cũng đang hoàn thiện dự thảo của 2 Thông tư khác và tiếp tục triển khai 2 Nghị định bổ sung, tập trung vào quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước, cũng như các quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể.
Với vai trò đầu mối trong cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Cục đã tham mưu cho Bộ về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Sau quá trình tham mưu, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83-KL/TW và Chính phủ đã triển khai các Nghị định tương ứng.
Đặc biệt, trong năm 2024, Cục đã hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP về quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, và Nghị định số 79/2024/NĐ-CP về cơ chế quản lý tiền lương cho Tập đoàn Viettel.
"Điều này cho thấy sự nỗ lực trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp nhà nước", ông Nguyễn Huy Hưng nói.
Cục trưởng cũng nhấn mạnh, công tác điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024 đã được Cục hướng dẫn và triển khai đến các doanh nghiệp. Qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Cục cũng tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Cho biết thêm, trong nỗ lực quản lý các dự án ODA, ông Hưng khẳng định, Cục đã tập trung triển khai các thủ tục phê duyệt và gia hạn hai dự án lớn, bao gồm dự án “Thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới” và dự án “Hỗ trợ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong thương lượng tập thể và hòa giải tranh chấp lao động”.
Hiện tại, Cục đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các văn kiện phi dự án và trình Bộ phê duyệt.
Đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt
Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp nhìn chung duy trì ổn định. Các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, giúp hạn chế các cuộc đình công và giải quyết nhanh chóng các mâu thuẫn phát sinh.
Đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt, với thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023...
Đánh giá cao nỗ lực của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh đặc biệt, Cục đã làm rất tốt trong việc phối hợp với các đơn vị liên quan, không chỉ trong việc xây dựng chính sách mà còn trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khuyến nghị Cục cần phải chủ động hơn trong việc đề xuất các công việc mới. Việc này sẽ giúp Cục không ngừng nâng cao chất lượng công việc, đồng thời đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn trong lĩnh vực lao động và tiền lương.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Cục đã triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ như làm đầu mối của cải cách tiền lương, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, triển khai các văn bản liên quan đến Bộ luật Lao động về thương lượng tập thể…
Đề cập đến tư tưởng sợ sai của cán bộ, Bộ trưởng lưu ý: “Có sai mới sợ, còn làm đúng thì không có vấn đề gì phải sợ. Phải chấm dứt "cái sợ", ai sai người đó chịu trách nhiệm, cá nhân nào sai thì người đó chịu, còn lại công việc chung vẫn phải làm”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, tính chủ động trong công việc của cán bộ Cục là chưa cao. Nếu không quyết liệt thì chúng ta sẽ bị chậm và không đúng hạn.
Lãnh đạo Bộ đề nghị, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương phải xốc lại tinh thần, chỉ bàn làm, không bàn lùi, không nói khó, có việc là phải làm, trong đó: Thông tư về tiền lương chưa hoàn thiện thì phải ban hành; lương của doanh nghiệp nhà nước, tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, phải làm song song hai việc, vừa lấy ý kiến bộ ngành, vừa xem xét lại các chỗ sai, sau đó báo cáo Lãnh đạo Bộ.
"Việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước phải bám sát 5 nội dung về cải cách tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và thời gian hoàn thành Nghị định đảm bảo tiến độ trước ngày 1/1/2025, không được phép lùi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.