Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tiến sĩ Uwano Toshiyuki giúp người khuyết tật Việt Nam tiếp cận giao thông bằng thiết bị dốc di động

(Dân sinh) - “Dốc di động” (portable wheelchair ramp) là thiết bị di động được làm bằng nhôm, gọn, nhẹ, giúp người khuyết tật (NKT) có thể mang theo bên mình, hỗ trợ di chuyển trong trường hợp muốn lên một địa hình cao từ 1 - 2 bậc thay vì phải nhấc bổng cả xe như trước đây.

 Tiến sĩ Uwano Toshiyuki: Giúp người khuyết tật Việt Nam tiếp cận giao thông bằng thiết bị dốc di động - Ảnh 1.

Tiến sĩ Toshi giới thiệu về thiết bị dốc di động và trao tặng thiết bị cho Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, Dương Thị Vân.

Tiến sĩ Uwano Toshiyuki (Toshi) đến từ Đại học Tokyo, Nhật Bản là NKT nặng, sử dụng xe lăn nên ông hiểu rõ những khó khăn của NKT sử dụng xe lăn khi gặp những công trình, tòa nhà không có đường dốc. Hiện ông đang thực hiện một dự án về tiếp cận công trình cho NKT sử dụng xe lăn. Dự án được Tập đoàn Toyota tài trợ, kéo dài 2 năm để giúp đỡ NKT trong cuộc sống và Việt Nam là một trong 4 nước để ông triển khai dự án đó.

Thiết bị dốc di động có thể mang theo bên mình, chỉ nặng 1,5kg, nhưng chịu được tải trọng đến 200kg. 

Giới thiệu về thiết bị dốc di động, tiến sĩ Toshi cho biết, thiết bị dốc di động được sản xuất tại TP. Cao Hùng, Đài Loan, do những NKT ở Đài Loan sản xuất. Thiết bị có thể mang theo bên mình, chỉ nặng 1,5kg, nhưng chịu được tải trọng đến 200kg. Dụng cụ hỗ trợ này giúp NKT có thể lên xuống được những nơi chưa có đường dốc, tiếp cận khi tham gia lao động, học tập và sinh hoạt hàng ngày.

 Tiến sĩ Uwano Toshiyuki: Giúp người khuyết tật Việt Nam tiếp cận giao thông bằng thiết bị dốc di động - Ảnh 3.

Tiến sĩ Toshi, bà Dương Thị Vân trao dốc di động cho người khuyết tật.

Tiến sĩ Toshi mong muốn thiết bị này sẽ hỗ trợ một phần cho NKT sử dụng xe lăn giảm bớt khó khăn do rào cản từ các công trình xây dựng khi tham gia lao động, học tập và sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, ông cũng mong muốn NKT tại Việt Nam trải nghiệm thiết bị dốc di động này ở các nơi, cho đông đảo mọi người biết đến và có ý kiến phản hồi với ông qua mail; để thông tin lại với nhà sản xuất điều chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng hiện tại của NKT Việt Nam. Với mong muốn khi dự án kết thúc sẽ là bước chuyển giao công nghệ về thiết kế và sản xuất cho Việt Nam. "Thiết bị dốc di động này do xưởng của NKT bên Đài Loan sản xuất, do vậy NKT ở Việt Nam cũng có thể làm được, thậm chí còn làm tốt hơn họ", tiến sĩ Toshi nhấn mạnh.

 Tiến sĩ Uwano Toshiyuki: Giúp người khuyết tật Việt Nam tiếp cận giao thông bằng thiết bị dốc di động - Ảnh 4.

Tiến sĩ Toshi trao tặng thiết bị dốc di động cho người khuyết tật.

Tiến sĩ Uwano Toshiyuki là tấm gương sáng về nghị lực và khát khao tri thức. Ông không may khi gặp biến cố và phải ngồi xe lăn khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng bằng nghị lực phi thường, ý chí mạnh mẽ vươn lên hòa nhập với xã hội, ông đã học xong đại học, nghiên cứu thạc sĩ và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường đại học danh tiếng Tokyo (Nhật Bản). Bên cạnh nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu và dịch thuật, ông đã đi nhiều nơi, trong đó nhiều lần đến Việt Nam để thực hiện những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, đặc biệt là những người có cùng cảnh ngộ như ông. Ông đã viết dự án xin tài trợ từ Quỹ Toyota cho sinh viên khuyết tật.

 Tiến sĩ Uwano Toshiyuki: Giúp người khuyết tật Việt Nam tiếp cận giao thông bằng thiết bị dốc di động - Ảnh 5.

Tiến sĩ Toshi chụp hình lưu niệm cùng người khuyết tật.

Vừa qua, tại Văn phòng Hội NKT TP. Hà Nội, Liên hiệp hội về NKT Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt và làm việc với tiến sĩ Toshi. Tại đây tiến sĩ Toshi đã tặng 50 thiết bị dốc di động cho NKT Việt Nam, trong đó 25 thiết bị đã được trao tặng cho NKT ở TP. Hồ Chí Minh trong tháng 9; 25 thiết bị còn lại được tiến sĩ Toshi trực tiếp trao tặng cho một số đại diện của Hội NKT ở Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình và phụ huynh có con khuyết tật. Đồng thời, ông cũng hướng dẫn cho mọi người cách sử dụng thiết bị này, rất đơn giản nhưng vô cùng tiện ích.

Tiến sĩ Toshi giới thiệu về dốc thiết bị di động.