Tham dự tại điểm cầu UBND TP còn có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cùng đại diện các Sở - ngành, đơn vị, các quận - huyện, TP Thủ Đức và các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố tại các điểm cầu trực tuyến.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM, từ ngày 27/4 đến ngày 1/7, trên địa bàn thành phố có 4.345 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố. Trong đó, có 16 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,38%.
Từ 6h ngày 01/7 đến 6h ngày 02/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố ghi nhận 533 trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 460 trường hợp tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà đều xác định được nguồn nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó; 02 trường hợp phơi nhiễm, là dân quân trực khu phòng tỏa ở Quận 5 và thành phố Thủ Đức; 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại 15 bệnh viện.
Từ 26/5 đến hết ngày 30/6, thành phố đã lấy 1.408.106 mẫu xét nghiệm PCR tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao... Hiện, thành phố đang chuẩn bị kế hoạch sử dụng bộ test nhanh, từ 100.000-200.000 bộ test mỗi ngày.
Bao gồm: Tiếp xúc gần (F1): 24.458 mẫu (23.599 mẫu âm tính, 859 mẫu chờ kết quả); Tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2): 202.834 mẫu (171.210 âm tính, 31.615 đang chờ kết quả); Tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm: 1.180.814 mẫu (898.606 mẫu âm tính, 282.208 mẫu (gộp 10) chờ kết quả).
Thực hiện test nhanh: đã sử dụng 128.520 test, cấp sẵn cho các quận huyện 169.055 test.
Hiện nay đang chuẩn bị kế hoạch sử dụng test nhanh, từ 100.000 – 200.000 test 1 ngày (sử dụng trong các đơn vị y tế và thí điểm tại các khu công nghiệp). Đơn giá test nhanh trong nước và nhập khẩu từ 135.000 – 180.000/test.
Tính đến 18h ngày 01/7/2021, tổng cộng có 839.706 người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên tổng số 951.902 người đến tiêm (có 112.196 người hoãn tiêm qua khám sàng lọc, chiếm tỷ lệ 11,8%), trong đó: Tại cộng đồng là 527.437 người và tại KCN, KCX là 312.269 người.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 đã kết thúc an toàn, vượt chỉ tiêu đề ra. Có 781 trường hợp có sự cố bất lợi sau tiêm, trong đó có 101 trường hợp phản ứng phản vệ sau tiêm (gồm: 33 trường hợp độ 1, 48 trường hợp độ 2, 18 trường hợp độ 3, 02 trường hợp độ 4); tất cả đều được theo dõi sát, hiện sức khỏe đều ổn định.
Thành phố đã huy động lực lượng nhân viên y tế toàn ngành để thành lập 1.300 đội tiêm, thực hiện tiêm vắc xin tại 96 địa điểm tiêm của các quận - huyện và hơn 300 địa điểm tiêm di động trong các khu công nghiệp. Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm, trong đó có 2.600 bác sĩ của tuyến thành phố 200 nhân viên y tế của các bệnh viện tuyến trung ương. Bên cạnh đó có hơn 93 đội (hơn 200 nhân viên y tế) chuyên hồi sức cấp cứu phụ trách các khu vực.
TPHCM cần quyết tâm để đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và sang tháng 8, có thể khống chế dịch bệnh
Nhận định tình hình dịch trên địa bàn TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng diễn biến dịch bệnh vẫn rất khó lường và khả năng tiếp tục tăng với phạm vi không chỉ trong TPHCM mà lan rộng ra các tỉnh, thành phố lân cận.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong tổ chức lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, phân phối và sử dụng bộ test nhanh… Bên cạnh đó, lực lượng thực hiện công tác truy vết và lấy xét nghiệm bị phân tán nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Tại một số khu cách ly, khu phong tỏa, vẫn còn một số hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh.
Trên cơ sở thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương sử dụng Test nhanh hợp lý để đảm bảo truy vết nhanh, khoanh vùng phong tỏa sớm. Hiện nay con số sử dụng test nhanh còn rất hạn chế (sử dụng khoảng 128.000 trong tổng số 222.000 test nhanh).
Công tác xét nghiệm cần tuân thủ giãn cách theo Chỉ thị số 10 của UBND TP, chia ca hợp lý, tránh tụ tập đông người, ảnh hưởng đến phòng chống dịch; cần thiết có thể triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngay tại các ngõ dân cư.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sáng nay (2/7), 400.000 liều vaccine do Nhật Bản hỗ trợ đã về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ Y tế dự kiến ưu tiên phân bổ số lượng lớn cho TPHCM.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã mạch lạc, đồng bộ, hiệu quả hơn. Đồng thời, nhiều quận, huyện đã có sự chủ động, nỗ lực hơn trong công tác triển khai xét nghiệm, phong tỏa, truy vết, cách ly.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị rà soát lại công tác chuẩn bị, không chỉ xét nghiệm tầm soát mà còn khử khuẩn, giãn cách…, đặc biệt là chủ động và tăng cường công tác truyền thông về bảo đảm điều kiện an toàn cho kỳ thi để phụ huynh và học sinh nắm bắt thông tin và yên tâm hơn.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TPHCM. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp phòng, chống dịch, quyết tâm để đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và sang tháng 8, có thể khống chế dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố rà soát lại các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhập và triển khai hiệu quả trong tình hình mới; căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh trên từng địa bàn để điều chỉnh phương án giãn cách xã hội phù hợp; có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 của UBND thành phố hoặc đề xuất áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa bảo đảm chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Làm tốt công tác thông tin truyền thông để đưa thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ; tập trung đưa tin về các tấm gương tuyến đầu chống dịch, các hành động đẹp, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cùng các ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7 đã được UBND TPHCM ban hành.
Trong đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu chú trọng hơn nữa công tác phối hợp, tạo sự thống nhất trong phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, lực lượng phòng chống dịch tại các quận, huyện cần phải chủ động đưa ra các phương án, giải pháp phù hợp tình hình địa phương, theo phương châm "5 tại chỗ", đánh giá đúng tình hình địa bàn để phân các nhóm nguy cơ đến từng phường xã, khu phố.
Hiện công tác lấy mẫu đang được triển khai trên toàn địa bàn thành phố, do đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu lực lượng chức năng và các địa phương trong thực hiện cần làm tốt giãn cách, có kế hoạch để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0. Tổ chức tập huấn cho những người tham gia hỗ trợ xét nghiệm, tránh xảy ra trường hợp phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ như thời gian vừa qua.
Với mô hình Trung tâm phân tích dữ liệu và tiếp nhận thông tin từ các phường, xã, thị trấn tại huyện Hóc Môn và quận Bình Tân, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá đây là cách làm hay và đề nghị các quận, huyện khác học tập.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh việc sử dụng bộ test nhanh để phục vụ hiệu quả cho phòng chống dịch; tăng cường năng lực truy vết; rà soát, tổ chức lại các khu cách ly theo đúng quy định về tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế; không tổ chức cách ly tại các trường học; khu cách ly phải bảo đảm điều kiện vệ sinh, có camera giám sát…
Đồng thời, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ đạo thành lập Ban Quản lý các khu cách ly tập trung để xử lý các vấn đề liên quan đến khu cách ly trên địa bàn; yêu cầu ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế thành phố thẩm định 22 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa cách ly, hoàn thành trước 5/7.
Với tinh thần khẩn trương, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện và TP. Thủ Đức tập trung, chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm sớm ổn định tình hình.