Theo đánh giá của UBND TP, dù hiện nay, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nhưng qua phản ánh của báo chí, hiệu quả của công tác phòng chống tiếng ồn từ karaoke tự phát chưa cao.
Do đó, trên cơ sở tiếp tục giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo một số nội dung quan trọng nhằm tăng cường chấn chỉnh, phòng chống vấn nạn tiếng ồn này.
Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với các Ủy viên UBND TP (Giám đốc Công an TP, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tư pháp) khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho Chủ tịch UBND TP, vừa kiến nghị vừa chủ động thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản gồm: nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nhóm giải pháp về tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật và nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động quần chúng giữ gìn trật tự, an toàn xã hội;...
Nội dung trên cần được trình chủ tịch UBND TP trước ngày 31/3/2021. Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan được phân công chỉ đạo, định hướng các ủy viên UBND TP thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Về biện pháp trước mắt, Chủ tịch UBND TP đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của UBND TP, thực hiện kết hợp, đồng bộ nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống vi phạm về tiếng ồn.
Giám đốc Công an TP tiếp tục quán triệt, chỉ đạo Công an TP Thủ Đức và Công an các quận, huyện giao trách nhiệm cho trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn kịp thời và xử lý hiệu quả các vi phạm về tiếng ồn tại địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng năm báo cáo chuyên đề về công tác này.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục quán triệt, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tiếng ồn và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tiếng ồn sâu rộng đến từng người dân và cộng đồng dân cư.
Đồng thời, đa dạng hóa, kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân; tăng cường rà soát, kiểm tra các khu vực thường xuyên có tiếng ồn bị phản ánh để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh.
Cùng với đó, TP Thủ Đức và các quận, huyện, tiếp tục quán triệt, giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở cơ sở là Chủ tịch UBND và trưởng công an xã, phường, thị trấn trực tiếp chỉ đạo về nội dung này. Đồng thời, chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan vi phạm quy định về tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự tại địa bàn mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý; thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ hàng năm báo cáo chuyên đề về công tác này.
Theo điều 6 Nghị định 167 quy định, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).