Khó khăn chồng chất là tình cảnh mà các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp phải, và các cơ sở mầm non cũng không ngoại lệ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các trường học trên địa bàn buộc phải nghỉ khiến nhiều trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn vì không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học. Việc thiếu nguồn thu tài chính buộc các cơ sở trên phải tự "gồng mình" tìm các phương án nhằm chi trả tiền lương cho các giáo viên, nhân viên cũng như tiền thuê mướn cơ sở vật chất và các chi phí khác để phần nào nhằm tiếp tục duy trì hoạt động.
Giáo viên mần non ngoài công lập đang ngóng chờ tiền hỗ trợ.
Hơn 3 tháng nghỉ việc vì dịch bệnh Covid-19, chị Ngô Thị Luyến (29 tuổi, giáo viên Trường mầm non Hoa Quỳnh) đang là mẹ đơn thân, ở trọ; con chị cũng đang tuổi đi học. Chị Luyến chia sẻ: "Từ ngày nhà trường đóng cửa vì dịch bệnh, nguồn thu chính bị chấm dứt, cuộc sống của tôi gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ của nhà trường, bên cạnh đó tôi cũng làm nhiều công việc như bán hàng online để gắng kiếm thêm nguồn thu nhập nuôi con cũng như trang trải cuộc sống. Giờ điều tôi mong muốn nhất là mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để được quay lại công việc giảng dạy và có thu nhập ổn định chăm lo cho gia đình".
Cùng hoàn cảnh như chị Luyến, chị Nguyễn Thị Ánh (quê Bình Định), giáo viên mầm non trường Mầm non Hưng Phát (quận 7, TP.HCM) cho hay, từ Tết tới giờ vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường cho tất cả giáo viên nghỉ không lương, nhưng chi phí hàng tháng tiền thuê nhà và sinh hoạt cũng hết 5 triệu đồng.
"Khó khăn thật nhưng tình hình chung của cả nước đành chịu chứ biết sao. Nhà trường cũng khó khăn trong việc chi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác thì làm sao hỗ trợ cho giáo viên được. Giờ ở nhà cũng không biết kiếm việc gì để làm thêm, trang trải trong giai đoạn khó khăn này", chị Ánh đượm buồn nói.
Chị Bích Phương, giáo viên trường Mầm non Ngôi Nhà Trẻ Thơ (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM), từ sau Tết Nguyên đán, vì diễn biến dịch bệnh phức tạp nên học sinh nghỉ, chị cũng không đến trường.
Vì nghỉ dạy dài hạn, về quê cũng không biết làm gì để mưu sinh nên chị Phương cùng một nhóm giáo viên ở lại đợi đợt cao điểm của dịch Covid-19 hết thì sẽ tiếp tục công việc, nhưng chưa biết đến khi nào.
Bình thường mỗi tháng đi dạy, mức lương của những giáo viên như chị Phương cũng hơn 6 triệu đồng. Hiện học sinh nghỉ, trường không hoạt động nên không có chi phí để duy trì và trả lương đầy đủ cho các giáo viên.
Với mức trợ cấp ít ỏi, ở lại thành phố cũng không có việc làm mà chi tiêu không đủ nên các giáo viên cùng chung vốn mở quán nước ngay trước cổng trường bán để sống qua mùa dịch. Quán nước của các giáo viên bán chỉ là nước cam, nước sâm, nước trái cây ép, nước tự nấu, giá chỉ 10.000 đồng/cốc.
Sự xuất hiện của một nhóm giáo viên chân mang dép lê, đầu đội nón lá đứng bán nước giữa cái nắng gắt trước cổng trường với dòng chữ "Giải cứu giáo viên mầm non" treo trước quán đã khiến rất nhiều người xót xa.
Cô Trần Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Quỳnh (phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, tổng nhân sự của nhà trường là: 8 giáo viên; 2 ban giám hiệu; 1 cấp dưỡng; 1 y tế… Trong thời gian ảnh hưởng của dịch, để duy trì hoạt động dạy và học, nhà trường cũng có nhiều hỗ trợ vật chất cho các cô như: Trả lương tháng 1, còn tháng 2 chỉ trả 50%; trả chế độ bảo hiểm tháng 1 và 2 cho các cô để làm sao các cô hưởng được hưởng phần trợ cấp chính đáng thiết thực nhất. Tuy nhiên, nếu dịch còn kéo dài thì khả năng nhà trường cũng không biết xoay sở thế nào.
Ngoài ra, thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho 7 đối tượng cụ thể, trong đó có đối tượng các trường ngoài công lập, nhà trường cũng đang gấp rút hoàn thành hồ sơ sớm nhất để gửi lên Phòng Giáo dục, chuyển về Phòng LĐ-TB&XH để các cô gáo có được tiền hỗ trợ.
Ông Trương Huy Mân, Bí Thư đoàn phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh).
Cô Nhàn cũng bộc bạch: "Trong suốt 4 tháng nghỉ dịch vừa rồi, cuộc sống của các cô gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần đều đang thuê ở nhà trọ, chưa có nơi an cư ổn định. Việc học sinh nghỉ dài đồng nghĩa với việc nhà trường cũng không có nguồn thu và các cô cũng bị ảnh hưởng. Cho nên hơn lúc nào hết, các cô đang mong ngóng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng giúp đỡ các cô cũng như người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19."
Ông Trương Huy Mân, Bí Thư đoàn phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường trên địa bàn phường đang gặp khó khăn. Hiện, các phường đã rà soát, lập danh sách các đối tượng được hưởng gói an sinh 62.000 tỷ đồng và đã gửi lên quận.
"Để hỗ trợ, phía đoàn phường cũng đã phối hợp, quận đoàn Thủ Đức và ban lãnh đạo của các trường trên địa để tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các cô như: Lập danh sách những cô bị ảnh hưởng bởi dịch gửi lên quận đoàn rồi từ đó vận động từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ các cô mỗi trường hợp 1 triệu đồng nhằm giúp đỡ các cô phần nào. Ngoài ra, kiếm việc làm thêm cho các cô; buôn bán hàng nhỏ; bán online….để nhằm động viên giúp đỡ phần các cô phần nào vượt qua thời gian khó khăn này', ông Mân thông tin.
Trao đổi với Phóng viên về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết: "Hiện TP.HCM đã chi xong 304 tỷ đồng hỗ trợ cho lao động mất việc, dừng việc và các giáo viên ngoài công lập theo quyết định về bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới các quận, huyện sẽ gấp rút hoàn thành chi trả cho các đối tượng trên..."
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản báo cáo gửi lên UBND TP.HCM thống kê đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành giáo dục TP.HCM. Theo thống kê hiện có tới 879 cơ sở giáo dục mầm non với hơn 23.464 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bị ảnh hưởng về lương, bảo hiểm theo quy định. Trong đó có tới 80% giáo viên bị ảnh hưởng việc làm, đặc biệt là đội ngũ giáo viên làm việc tại cơ sở mầm non ngoài công lập. Với các trung tâm ngoài giờ, có khoảng 30% các trung tâm quy mô nhỏ đã trả mặt bằng, chấm dứt giảng dạy, hiện đến nay đã có 51 cơ sở giải thể.