Theo đó, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố tiếp tục được triển khai với nhiều hoạt động tạo kết quả cao. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh và cán bộ quản lý, hình thành văn hóa sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.
Đặc biệt là hai mục tiêu trọng tâm an toàn trong công tác an toàn thực phẩm: “Cải cách hành chính và tăng cường tuyên truyền”, “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn”.
Trong 3 tháng đầu năm 2020, UBND Thành phố đã ban hành 35 văn bản triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm; trong đó có kế hoạch ứng phó trước dịch bệnh Covid-19 lan rộng.
Về lĩnh vực trồng trọt, Thành phố hiện có 91 phường, xã sản xuất rau với diện tích canh tác hơn 3.500ha, sản lượng năm 2020 ước đạt 127.350 tấn, tăng 16,1%. Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản đều có sự tăng trưởng, đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngành chăn nuôi cần tăng cường tham gia chuỗi thực phẩm an toàn của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập trong các quy định về kiểm soát và xử lý vi phạm đối với chất cấm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Theo quy định, để có cơ sở xử lý đối với các trường hợp nông sản thực phẩm tươi sống bị nhiễm khuẩn hoặc tồn dư hóa chất, chất cấm phải có kết quả phân tích định lượng tại các phòng kiểm nghiệm chỉ định.
Nhưng kết quả phân tích định lượng này thường mất thời gian từ 2-4 ngày. Hiện nay lại chưa có quy định tạm giữ lô hàng trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng, vì vậy khi có kết quả phân tích thì lô hàng được kiểm nghiệm đã không còn tại chợ. Do đó, UBND Thành phố đề xuất Chính phủ cần có quy định về biện pháp xử lý, ngăn chặn vi phạm bằng hình thức đình chỉ kinh doanh, tạm giữ lô hàng, điều kiện bảo quản hàng hóa… trong thời gian chờ kết quả phân tích định lượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo UBND Thành phố, hiệu quả của công tác quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc còn hạn chế do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, hệ thống phân phối lạc hậu, vẫn còn các chợ tự phát, trôi nổi. Sản xuất nông nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu nên việc truy xuất nguồn gốc còn hạn chế.
UBND Thành phố đề xuất Chính phủ cần triển khai phối hợp các biện pháp kiểm soát chất lượng từ các tỉnh trước khi đưa về Thành phố tiêu thụ. Do đó, Thành phố đề xuất có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành. Cụ thể, như nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường phải được kiểm tra và chứng nhận từ gốc. Quy định này cần thống nhất cách thực hiện việc giám sát, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng.