Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện nay toàn nước ta có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giưới, dịch vụ bất động sản và mới chỉ có 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại, bị ách tắc, sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở và do "độ trễ" nên sẽ còn tác động tiêu cực trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản; người dân khó tạo lập nhà ở do giá nhà có xu thế tăng mạnh. Trước tình trạng khối doanh nghiệp bất động sản đang phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, cần được tháo gỡ các rào cản đề phát triển lành mạnh và bền vững.
Thời gian qua, nhiều Bộ, ngành và các địa phương cũng đã vào cuộc lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp bất động sản nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến các doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro, đa số các doanh nghiệp bất động sản đều gặp phải rủi ro về pháp lý khó tháo gỡ để kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn và tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tại hội nghị, nhiều chuyên gia, Bộ, ngành và các đại biểu đã mổ xẻ và thảo luận góp ý để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp lý… cho doanh nghiệp bất động sản.
Ở gốc độ chuyên gia, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Nguồn cung bất động sản chững lại từ đầu năm 2019, thị trường nhà ở cũng rơi vào tình trạng tương tự vì khung pháp lý bị xung đột, thiếu thống nhất từ khâu quy hoạch, triển khai dự án không thống nhất với nhau. Hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung bất động sản giảm mạnh từ 30 đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung thiếu ở đây là do hệ thống pháp luật của chúng ta làm giảm cung, mà giảm cung trong thời gian tới thì giá cả bất động sản sẽ tăng cao (cầu tăng, cung thì chững lại), điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước dễ rơi vào hệ lụy tiêu cực.
Giải pháp đối với các bất cập này không khó, chỉ có điều các Bộ, ngành và pháp luật phải thống nhất với nhau. Tôi cho rằng việc tham gia xây dựng pháp luật nên có sự góp ý của các đơn vị ngoài nhà nước (các Viện, hiệp hội…) hệ thống pháp luật đang bí và nhiều điều khoản còn phi thực tế.
"Giải pháp trước mắt cần làm ngay để cuộc sống không phải chờ đợi là dựa theo 3 nguyên tắc thực thi pháp luật khi có xung đột. Một là văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn ban hành có hiệu lực thực hiện cao hơn. Hai là trong các văn bản quy phạm pháp luật do cùng cấp có thẩm quyền ban hành thì văn bản ban hành sau có hiệu lực thực hiện cao hơn. Ba là văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có hiệu lực thực hiện cao hơn đối với các nội dung của chuyên ngành đó". Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết.
Bàn luận về vấn đề trên, Bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: "Hiện nay, Quốc hội đã đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 dự kiến khai mạc vào 21/10 tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng giải quyết những nội dung chưa đồng bộ thống nhất giữa Luật Đất đai với các bộ luật khác liên quan. Bên cạnh đó, Bộ sẽ giải quyết các nội dung mà các đơn vị đã nói là những khoảng trống mà pháp luật chưa có điều chỉnh, hoặc những quy định có bất cập, vướng mắc, phù hợp với thực tế".
Đưa ra một số kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tôi đánh giá cao việc sửa đổi, đặc biệt tích hợp một số quy trình vào làm một. Thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, không phải người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách. Khâu thấu hiểu, thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật. Theo tổng hợp có 170 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về quy định pháp luật (trong đó có 120 dự án vướng do liên quan đến đất hỗn hợp).
Để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm. Chưa có doanh thu, áp lực tài chính lớn... chính vì vậy chính sách nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Sau khi lắng nghe các chuyên gia và đại biểu nêu thực trạng và đưa ra mổ xẻ, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh: "Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản sẽ góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách, giải quyết vấn đề nhà ở. Hơn lúc nào hết các cơ quan quản lý, các bộ ngành liên quan cần hành động nhanh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện nay".