UBND Thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện cần chú trọng tại khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn. Chủ tịch UBND quận, huyện là người chịu trách nhiệm nếu còn tình trạng các đối tượng này tiếp tục xin ăn trên địa bàn.
Đồng thời, các quận, huyện cần trang bị khẩu trang cho các đối tượng ngay khi thực hiện việc tập trung; thực hiện khai báo y tế và phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để tổ chức cách ly y tế kịp thời tại địa phương; lập danh sách các địa điểm thường xuyên có người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định; phối hợp với các quận, huyện giáp ranh để xử lý.
Công an Thành phố cần tổ chức điều tra, xử lý triệt để đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục, ép buộc người khác đi xin ăn, chăn dắt, lợi dụng các đối tượng yếu thế để trục lợi. Riêng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố được giao ngăn chặn các trường hợp xin ăn, bán hàng rong đeo bám, làm phiền du khách.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã chỉ đạo rà soát, thống kê người lang thang, người bán vé số trên địa bàn. Phấn đấu đến ngày 6/4 không có người xin ăn tại các quận trung tâm, các cửa ngõ ra vào TP. Hồ Chí Minh.
"Dự kiến Sở sẽ đề xuất TP Hồ Chí Minh dùng quỹ Vì người nghèo hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nếu người bán vé số là người ở TP. Hồ Chí Minh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với quận, huyện vận động họ về địa phương và nhận hỗ trợ theo diện quy định; nếu người bán vé số là người ở các tỉnh, thành thì Sở cũng đề xuất hướng hỗ trợ như với người nghèo TP. Hồ Chí Minh", ông Tấn thông tin.
Từ nay đến ngày 6/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh yêu cầu tập trung hết người lang thang xin ăn ở các khu vực cửa ngõ, trước cổng các siêu thị, chợ, bệnh viện và tại các giao lộ lớn trên địa bàn. Đến ngày 6/4, đảm bảo không có người xin ăn tại các quận trung tâm TP. Hồ Chí Minh, các cửa ngõ ra vào TP. Hồ Chí Minh. Đến hết năm 2020, đảm bảo không có người ăn xin ở các quận, huyện còn lại.
Việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về người xin ăn, người sinh sống nơi công cộng về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm Hỗ trợ xã hội theo đường dây nóng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội): 028.38.292.491 – 028.38.231.757 (giờ hành chính). Trung tâm Hỗ trợ xã hội: 028.35.533.258 (hoạt động 24/24).