Thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyên truyền và hướng dẫn về an toàn PCCC đối với các đối tượng nêu trên.
Đối với chủ đầu tư các cụm công nghiệp; Ban Giám đốc các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; các thương nhân kinh doanh xăng dầu, khí, hóa chất trên địa bàn TP tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện sớm và củng cố ngay các thiếu sót, vi phạm về an toàn phòng chống cháy nổ. Cùng với đó, kiểm tra các hệ thống báo cháy, chữa cháy, phương tiện chữa cháy đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động của thiết bị.
Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ tại nơi sản xuất, công trình, nhà máy. Đặc biệt lưu ý đến các khu vực kho tàng, dây chuyền sản xuất, nơi tập trung nhiều hàng hóa, vật tư có nhiều nguy cơ mất an toàn và cháy nổ, các công việc liên quan đến hàn, cắt, sử dụng gas…
Người đứng đầu các cơ sở tổ chức xây dựng lực lượng PCCC, cứu hộ - cứu nạn và trang bị phương tiện PCCC, cứu hộ - cứu nạn tại chỗ theo quy định. Đảm bảo 100% lực lượng tại chỗ đủ mạnh để xử lý kịp thời các vụ cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Trước đó, tại phiên họp trực tuyến về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021 của UBND TP.HCM diễn ra chiều 11/5, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần chú trọng công tác PCCC kiểm tra các phương tiện, thiết bị PCCC tại chỗ, đặc biệt là chung cư cũ, khu dân cư hiện hữu có hẻm giới nhỏ. Đối với các cơ sở sản xuất thủ công, tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo yêu cầu về PCCC mới cho tiếp tục hoạt động.