Hiện nay, nhiều người khuyết tật ở TP.HCM bày tỏ sự nghi ngại do bị kỳ thị, khó hòa nhập, nhất là khi tham gia giao thông công cộng bằng xe buýt. Bên cạnh những chuyến xe buýt rất tốt, hỗ trợ tận tình thì vẫn còn nhiều xe dành cho người khuyết tật còn hạn chế; có xe chỉ "ưu tiên thu tiền, không giải quyết cho người khuyết tật có thẻ".
Cũng ở lĩnh vực giao thông, nhiều người khuyết tật kiến nghị tổ chức đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người có đủ năng lực điều khiển; kiến nghị việc lắp đặt một số rào chắn ngăn cản xe máy leo lề hiện nay làm ảnh hưởng đến việc di chuyển của người khuyết tật trên lề đường. Nhiều người cũng phản ánh tình trạng lắp rào chắn ở các lối đi tại các công viên trên gây trở ngại cho người khuyết tật khó tham gia vui chơi, giải trí hoặc tìm bóng mát dưới tán cây.
Về vấn đề giao thông, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Nguyễn Quốc Vinh cho biết, Sở đã triển khai đồng loạt nhiều hoạt động liên quan đến trợ giúp người khuyết tật, nhất là trong lĩnh vực giao thông công cộng. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về quy tắc ứng xử đối với người khuyết tật. Nếu gặp phải những trường hợp này, người dân phản ánh trực tiếp đến tổng đài Trung tâm quản lý giao thông công cộng để kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, nhiều người khuyết tật cũng cho biết họ gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm việc làm dù bản thân đã được học nghề, đào tạo nghề. Một số nơi nhận vào làm việc nhưng không thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động; một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc bởi nhiều lý do khác nhau…
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, Thành phố có Trung tâm bảo trợ dạy nghề và giải quyết việc làm sẽ thực hiện chức năng tư vấn ngành nghề, học phù hợp với điều kiện, sức khỏe và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Ngoài ra, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố hàng tháng đều tổ chức sàn giao dịch trực tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm việc.
Về chính sách hỗ trợ người khuyết tật, Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố cho biết, Hội cũng tổ chức những khóa đào tạo dạy nghề ngắn hạn truyền thống; như vẽ tranh, làm hoa bằng đất sét, kim hoàn, may công nghiệp. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ người khuyết tật nơi xa về ăn ở tại chỗ; liên kết với Viện Y học dân tộc thành phố dạy nghề massage và đang thí điểm trồng và bảo dưỡng hoa lan.
Để người khuyết tật hòa nhập tốt trong cộng đồng, Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa các hoạt động của người khuyết tật; các Sở, ngành tạo điều kiện để đưa sản phẩm của người khuyết tật ra thị trường, tạo thêm nhiều cơ hội, có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho người khuyết tật để họ có cơ hội được làm việc, được tự khẳng định mình.