Theo ông Hưng, từ đợt dịch đầu tiên, thành phố có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Số lượng này phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong tình hình dịch khi số ca nhiễm chưa tăng cao như hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, hiện tại TP đang tập trung tầm soát F0 có trọng tâm trọng điểm, tách F0 khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể.
Về những tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, TP dự đoán sẽ có 3 tình huống.
Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát, TP thực hiện điều chỉnh giải pháp phòng, chống dịch theo thực tế.
Thứ hai, dịch bệnh chưa được kiểm soát, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường ở một số địa bàn.
Thứ ba, dịch gia tăng mạnh, TP đã tính đến tình huống phải siết chặt phong tỏa và đề xuất với Trung ương để quyết định giải pháp phù hợp.
Dù tình huống nào xảy ra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và triệt để yêu cầu 5K, nhất là khoảng "thời gian vàng" này.
Nhưng từ đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm tăng cao, TP đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong.
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Hưng thừa nhận có tình trạng F0 chậm chuyển đi điều trị.
Khi test nhanh phát hiện dương tính, bệnh nhân nào có triệu chứng phải được chuyển đi điều trị ngay, chưa có triệu chứng thì tạm thời đưa đến khu cách ly.
"Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân đến khu cách ly điều trị chậm ", ông Hưng thừa nhận.
Theo phó giám đốc Sở Y tế, hiện nay TP có 19 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân. Hiện TP đang thiết lập thêm 5 bệnh viện nữa. Tổng công suất 24 bệnh viện dã chiến là 44.890 giường bệnh. Hiện nay có 16.757 người đang điều trị.
Liên quan đến kế hoạch triển khai cách ly F1, F0 tại nhà, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, các giải pháp hiện nay đều chưa có tiền lệ, việc cân nhắc và lựa chọn giải pháp để triển khai là tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Việc triển khai cách ly F1, F0 tại nhà cần tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Ngoài những tiêu chí, yêu cầu của Bộ Y tế, tùy diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế sẽ tham mưu và đề xuất cụ thể với UBND TP để có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp.
Hiện nay, ngành Y tế TP đang tập trung công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 bởi số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao mỗi ngày. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, khám và điều trị cho các bệnh khác cũng vẫn được quan tâm. Tại TP.HCM có 40 - 60% bệnh nhân ngoại tỉnh đến TP điều trị nội trú và ngoại trú, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm giảm số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngành Y tế triển khai các tổ, đội cấp cứu đến tại nhà để đảm bảo dịch vụ y tế kịp thời cho người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là điều kiện cần để tạo môi trường thuận lợi nhằm tăng cường và siết chặt các giải pháp khác, nhất là việc truy vết và tìm ra các F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Cùng với đó, ngành Y tế thực hiện đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm mở rộng và tầm soát trong cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm.