Thông tin trên báo Người lao động cho biết, Favilavir, trước đây gọi là Fapilavir, là loại thuốc chống virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đầu tiên được Cục Quản lý Sản phẩm y tế quốc gia của Trung Quốc phê duyệt sản xuất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Favilavir do Công ty Dược phẩm Hisun Chiết Giang phát triển được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới.
Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết, Favilavir là một trong 3 loại thuốc cho thấy hiệu quả rõ rệt trong điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 với các thử nghiệm lâm sàng. Lô thuốc đầu tiên đã được sản xuất vào ngày 16/2.
Đến nay tỉnh Chiết Giang đã ghi nhận ít nhất 1.167 trường hợp nhiễm bệnh.
Trong khi đó, đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gồm các chuyên gia Mỹ sẽ được đưa đi Bắc Kinh, Tứ Xuyên và Quảng Đông từ ngày 17/2 để đánh giá về công tác chống dịch của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến việc liệu nhóm này có đến Vũ Hán hay bất kỳ nơi nào của tỉnh Hồ Bắc hay không. Điều này khiến các chuyên gia y tế lo ngại về tính minh bạch của chuyến đi thực tế lần này.
Tính đến nay, tổng ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu liên quan đến virus corona chủng mới lần lượt là 71.440 và 1.775.
Trong một bài viết khác, cũng trên Người lao động đưa tin, chính quyền TP Tân Hương, tỉnh Hà Nam - Trung Quốc ngày 17/2 quyết định kéo dài thời gian cách ly với người trở về từ Vũ Hán lên 21 ngày sau hai ca ủ bệnh dài bất thường.
Theo Global Times - phụ san của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quyết định điều chỉnh thời gian cách ly đối với các ca nghi vấn ở Tân Hương được đưa ra sau khi phát hiện hai bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) sau thời gian dài bất thường so với 14 ngày như bình thường.
Trong đó, một ca được chẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 sau 34 ngày trở về từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Bệnh nhân họ Ngô này được đưa đến bệnh viện với các triệu chứng nghi ngờ vào ngày 28/1, nhưng hai lần xét nghiệm đều âm tính. Kết quả xét nghiệm lần thứ ba vào ngày 16/2 mới cho thấy bệnh nhân đã nhiễm SARS-CoV-2.
Trong thời gian đó, bệnh nhân họ Ngô dự 2 bữa liên hoan gia đình và tiếp xúc với khoảng 10 người. Hai người tham gia các cuộc họp mặt gia đình với bệnh nhân này đã được báo cáo nhiễm virus, còn 3 người khác bị nghi ngờ nhiễm đang được cách ly theo dõi.
Ca thứ hai được xác định nhiễm SARS-CoV-2 sau 94 ngày tiếp xúc với bố vợ - người từng nhập viện ở TP Vũ Hán trước đó. Bệnh nhân này họ Ninh bắt đầu sống cùng và chăm sóc cho bố vợ hôm 13/11/2019, sau đó trở về quê nhà ở Tân Hương hôm 31/1/2020 sau khi bố vợ qua đời.
Hiện chưa thể xác định nguồn lây nhiễm ở cả hai trường hợp, song việc họ chỉ nhiễm bệnh sau một thời gian dài bất thường kể từ khi tiếp xúc với nguồn nguy cơ lây nhiễm làm dấy lên lo ngại thời gian ủ bệnh của virus corona chủng mới có thể dài hơn.
Trước đó, các nhà khoa học cho rằng thời gian ủ bệnh của virus này ước tính từ 1 đến 14 ngày và trung bình là 52,2 ngày. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 2, chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng của Trung Quốc Chung Nam Sơn cho rằng thời gian ủ bệnh của SARS-CoV-2 có thể lên đến 24 ngày ở một số bệnh nhân. Theo ông Chung, thời gian từ lúc phơi nhiễm ban đầu đến khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
Cũng trong ngày 17/2, TP Hiếu Cảm của tỉnh Hồ Bắc tuyên bố người dân không được ra khỏi nhà và không lái xe trên đường. Các địa điểm công cộng cũng sẽ bị đóng cửa nếu không cần thiết. Theo Global Times, những người vi phạm sẽ bị giam giữ tối đa 10 ngày.