Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trung Quốc không có quyền đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, ngư dân Việt Nam an tâm ra khơi bám biển

Trước sự ngang ngược của Trung Quốc cấm đánh bắt cá phi lý trên Biển Đông, ngư dân và lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Việt Nam kiên quyết: "Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình".

VietnamNet đưa tin, trước phi lý của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè kéo dài 3 tháng rưỡi ở khu vực Biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam.

Lệnh cấm phi pháp, đơn phương nói trên được áp dụng từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8. Phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, còn có bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau cuộc đối đầu với tàu Philippines vào năm 2012.

 Trung Quốc không có quyền đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi bám biển - Ảnh 1.

Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có giá trị. (Ảnh: Ngư dân chụp)


Trên VTC News đăng tin, trước quy chế ngang ngược, vô lý của Trung Quốc, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam – khẳng định, đây là lệnh cấm không có giá trị.

Theo ông Tấn, đây không phải lần đầu Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.

Thực tế từ năm 1999, hằng năm, Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 8.

“Rõ ràng, đây là lệnh cấm không có tính pháp lý và thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc. Vì vậy, ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn quyết tâm bám biển quanh năm suốt tháng. Đơn cử, 750 tàu cá của Quảng Nam vẫn đang hiện diện ở 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa”, ông Tấn nói.

Tuy nhiên, theo ông Tấn, trong khoảng thời gian Trung Quốc áp đặt lệnh cấm, hoạt động đánh bắt của ngư dân nước ta thường gặp trở ngại.

“3,5 tháng thực hiện lệnh cấm, Trung Quốc luôn tìm cách xua đuổi, gây khó dễ, cản trở ngư dân Việt Nam khai thác hải sản. Do đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).

Các tàu trong cùng một tổ sẽ đánh bắt cách nhau 2-3 hải lý, nếu gặp tàu lạ tấn công thì sẽ liên lạc và hỗ trợ nhau”, ông Tấn chia sẻ và khẳng định, khi chứng kiến các tàu cá Việt Nam đi theo nhóm, phía Trung Quốc sẽ có phần e ngại, không dám ức hiếp.

 Trung Quốc không có quyền đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi bám biển - Ảnh 2.

Theo ông Tấn, các ngư dân nên thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).


Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam, ông Phùng Đình Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi – quả quyết: “Trung Quốc cấm cứ cấm. Ngư dân cứ yên tâm đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - thông tin với VTC News, trong những ngày đầu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân vẫn diễn ra bình thường. 2 hôm nay, hàng chục tàu cá trở về từ ngư trường Hoàng Sa đều bội thu cá nục, cá chuồn.

“Ở Hoàng Sa, hằng ngày có không dưới 100 con tàu công suất lớn của ngư dân Bình Châu khai thác hải sản. Hơn 2 thập kỷ qua, ngư dân Bình Châu - địa phương có số lượng tàu đánh bắt ở Hoàng Sa xếp vào loại nhiều nhất nước đã thấm nhuần lệnh cấm không có giá trị của Trung Quốc.

Do đó, ngư dân giờ cũng chẳng bận tâm tới lệnh cấm này nữa. Cấm cứ cấm, biển mình thì mình cứ đánh bắt”, ông Hùng nhấn mạnh.

Với cá nhân anh Trần Hồng Thọ (trú xã Bình Châu) - vị thuyền trưởng có thâm niên 16 năm “chinh chiến” ở Hoàng Sa, anh không còn xa lạ với các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển.

 Trung Quốc không có quyền đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi bám biển - Ảnh 3.

Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Thọ. (Ảnh: Ngư dân chụp)


Hơn 1 tháng trước, chính xác là vào lúc 3h ngày 2/4, sau 2 tiếng bị rượt đuổi, con tàu mang công suất 420 CV của Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa. Anh và 7 thuyền viên trên tàu bị những kẻ lạ mặt trên tàu Trung Quốc giam giữ trái phép suốt hàng chục tiếng đồng hồ.

Trở về đất liền, như bao ngư dân có tàu “bỏ mạng” giữa trùng khơi vì bị Trung Quốc tấn công, Thọ đang nuôi quyết tâm đóng tàu mới để sớm trở lại Hoàng Sa.

“Hàng chục năm đánh bắt xa bờ, chuyện tàu cá của mình bị Trung Quốc xua đuổi, cướp ngư cụ, cấm đánh bắt xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, họ (Trung Quốc) cấm đánh bắt là việc của họ, còn mình cứ đánh ở vùng biển thuộc phạm vi của nước mình. Ngư dân chúng tôi không sợ gì cả”, Thọ bộc bạch.

Ngày 4/5, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao về việc phản đối quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc.

Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc đã có thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Theo quy chế này, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8.

"Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan.

Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", Trung ương Hội nghề cá Việt Nam nêu rõ.

Trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình".

Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.

"Thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân Việt Nam khi hoạt động trên biển của nước ta", Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.

Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trước hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 4/5 cáo buộc Trung Quốc lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để thúc đẩy lợi ích ở biển Đông.

 Trung Quốc không có quyền đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ngư dân Việt Nam vẫn ra khơi bám biển - Ảnh 4.

Một chiến đấu cơ chuẩn bị hạ cánh xuống tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ tại biển Đông hôm 18-4 Ảnh: REUTERS

Theo Người Lao động, ông Esper, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện vẫn tiếp tục theo dõi sát sao mọi hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế của các đơn vị trên biển và trên không thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). "Họ đang tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ hoặc không gian vốn không thuộc về họ" - Bộ trưởng Esper cho biết.

Để đối phó Bắc Kinh, theo ông Esper, Washington đã khiến mọi thứ trở nên khó lường hơn với Trung Quốc, như thay đổi sự hiện diện của máy bay ném bom trên đảo Guam, triển khai nhiều chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải... "Chúng tôi muốn bảo đảm luật biển và các quy tắc quốc tế vốn đã tồn tại hàng thập kỷ được duy trì. Chúng tôi thấy Trung Quốc tiếp tục nỗ lực bẻ cong, thay đổi những luật lệ và quy tắc này để đạt được lợi ích riêng" - ông Esper tuyên bố.

Bên cạnh đó, Liên đoàn quốc gia Các tổ chức ngư dân nhỏ ở Philippines (PAMALAKAYA) hôm 4-5 đã phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời kêu gọi chính phủ làm điều tương tự. "Hành vi dọa nạt của Trung Quốc phải chấm dứt ngay lập tức… Trung Quốc không có quyền lấy cớ bảo tồn thủy sản để ban bố lệnh cấm đánh bắt tại các vùng biển mà họ không có chủ quyền hợp pháp, vốn đã bị họ phá hủy diện rộng thông qua các hoạt động cải tạo" - ông Fernando Hicap, Chủ tịch PAMALAKAYA, nhấn mạnh.