Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến về 2 "Nghị định quy định chi tiết điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm" và "Nghị định quy định chi tiết Điều 39 Luật Việc làm về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm".
Nghị định lần này sẽ quy định chi tiết một số điều luật về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm như: Điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm, các điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, nội dung hoạt động và chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo ông Bình, hiện các doanh nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc các Sở LĐ-TB&XH là các đơn vị dịch vụ công thực hiện về chính sách công. Vì vậy, các đơn vị trên phải thực hiện rõ vai trò nhiệm vụ của mình là đơn vị giúp nhà nước điều phối thị trường lao động.
Ông Bình mong muốn tại hội thảo lần này, các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, thẳng thắn vào các nội dung dự thảo Nghị định; đối với những nội dung chưa rõ, có thể trao đổi với cơ quan soạn thảo để làm rõ, trên cơ sở đó có ý kiến tham gia để Cục Việc làm có căn cứ để hoàn thiện Nghị định.
Tại hội thảo, đại diện các sở, trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm phía Nam đã cùng tập trung thảo luận và nêu ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Việc làm về tổ chức và hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm.
Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh nêu ý kiến về điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm và một số nội dung cần sửa trong dự thảo Nghị định.
Theo ông Ngọc, tại khoản Đ, Điều 3 của dự thảo Nghị định quy định "Có ít nhất 15 người làm việc có trình độ từ cao đẳng trở lên và người lãnh đạo điều hành trung tâm dịch vụ việc làm phải có trình độ từ Đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lao động việc làm" là hơi cứng nhắc và gây lãng phí nguồn đào tạo người lao động.
"Có những vị trí không nhất thiết phải trình độ cao đẳng vẫn làm việc phù hợp nên Nghị định không cần phải quy định phải trình độ cao đẳng, vì vậy nên sửa lại điều trên", ông Ngọc đóng góp ý kiến.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phan văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng nên sửa lại, xóa trình độ cao đẳng của khoản Đ, Điều 3 của dự thảo nghị định. Ngoài ra, cũng cần làm rõ về số người làm việc. "Chúng ta nên ghi thẳng vào số lượng là bao nhiêu? Bao nhiêu vị trí việc làm?", ông Sơn bày tỏ quan điểm.
Đại diện Công ty CP Vietnamworks, ông Huỳnh Anh Khoa cho rằng doanh nghiệp phải công khai giấy phép hoạt động tại trụ sở làm việc. Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lao động việc làm cần biết tận dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để đạt hiệu quả cao.
Ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu là đại diện các trung tâm dịch vụ việc làm và các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực lao động việc làm tại các tỉnh phía Nam. Từ những ý kiến đóng góp này, Cục Việc làm sẽ có cơ sở thực tiễn để xây dựng hoàn thiện Nghị định.
Theo ông Huy, các Trung tâm dịch vụ việc làm nên liên kết với các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp để đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động kịp thời nhất, từ đó sớm giải quyết việc làm giúp họ có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng nâng cao...