Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về thăm Trung tâm ĐD NCC Thanh Hoá. Được biết, trong những năm qua bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, Trung tâm đã tiếp nhận, phục hồi chức năng cho hàng ngàn lượt thương bệnh binh tại các chiến trường trở về. Các cán bộ, y bác sĩ tại đây luôn tận tình chăm sóc các thương, bệnh binh, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, tiếp thêm nghị lực để thương, bệnh binh vươn lên sống vui, sống khỏe. Các thương bệnh binh về điều dưỡng tại trung tâm đa phần ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và coi nơi đây như mái nhà chung thứ hai của mình...
Giám đốc Trung tâm ĐD NCC Thanh Hóa Nguyễn Văn Thư cho biết: "Trung tâm hiện có 99 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc 235 thương binh, bệnh binh tâm thần, thương binh, bệnh binh nặng có thương tật và bệnh lý tổng hợp, thân nhân liệt sỹ già cả cô đơn, con liệt sỹ bị tàn tật, người trực tiếp tham gia kháng chiến và con của những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, các y bác sĩ, nhân viên tại trung tâm luôn chăm sóc các thương, bệnh binh với tất cả cái tâm, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, để thương, bệnh binh vươn lên sống vui, sống khỏe. Muốn làm tốt nhiệm vụ chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đòi hỏi mỗi cán bộ phải xuất phát từ cái tâm của mình – đó là điều mà cán bộ chúng tôi luôn khắc ghi. Được chăm sóc người có công không chỉ là nhiệm vụ, là trách nhiệm mà còn là một vinh dự to lớn".
"Do tuổi tác của các đối tượng chính sách ngày càng cao, sức khỏe giảm dần theo thời gian cũng ảnh hưởng một phần trong công tác chăm sóc, phục hồi chức năng. Đối tượng bị nhiễm chất độc Dacam/Diôxin là những người bị bệnh từ bào thai, do đó đa dạng các loại có diễn biến bệnh tật rất phức tạp, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn thần kinh, tâm sinh lý thường xuyên khó chịu, bức xúc, kích động, Trong số 89 đối tượng bị nhiễm chất độc Dacam/Dioxin (thế hệ thứ 2) có 18 người mức trợ cấp thấp: 974.000đ/người/tháng, chưa đủ chi phục vụ ăn uống do đó cũng ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng, nâng cao sức khỏe dinh dưỡng cho đối tượng" – Giám đốc Nguyễn Văn Thư chia sẻ.
"Trung tâm quản lý nhiều loại đối tượng khác nhau với tình trạng thương tật, bệnh tật đa dạng, phức tạp, đặc biệt số thương binh, bệnh binh nặng, chất độc hóa học mới vào Trung tâm thường xuyên đi điều trị các tuyến bệnh viện Trung ương, song đơn vị đã chỉ đạo sát sao đội ngũ chuyên môn y tế, nhân viên phục vụ tận tình chu đáo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dụng cụ trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp bổ sung, do đó đã thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đồng thời đã kết hợp giữa điều trị bằng thuốc Đông y kết hợp với Y học cổ truyền và vật lý trị liệu, máy phục hồi chức năng, phối hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm ổn định thương tật, bệnh tật và sức khỏe được nâng lên, tâm lý sinh hoạt cá nhân và tập thể hòa đồng, thân thiện" – ông Nguyễn Văn Thư cho biết thêm .
Với tình thương và với tấm lòng tri ân của mình, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân của mình. Phần lớn cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở trung tâm đều còn trẻ và nhiệt huyết với nghề. Trong ca trực của mình, họ không chỉ làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ mà còn lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh; luôn phải theo dõi để phát hiện các hiện tượng bất thường về sức khỏe hay những vấn đề khác của các thương, bệnh binh.
Tại Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa, mỗi bệnh nhân ở đây đều được thăm khám hàng ngày, điều trị theo phác đồ riêng để điều chỉnh trạng thái tâm lý trở về tương đối bình thường. Từ bệnh lý thần kinh, họ dần trở nên ngại hoạt động, sinh hoạt hơn bình thường, họ đi dần vào thế giới riêng của mình. Chính vì thế, các y bác sĩ thường tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng như: Lao động ngoài trời, nhổ cỏ, tập máy, ca nhạc, chơi thể thao nhẹ... để các thương, bệnh binh nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, khi có bệnh nhân nặng phải lên tuyến trên điều trị, trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh điều trị xong.
Do tính chất công việc phải chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt, có những bác không tự sinh hoạt được, phải ngồi xe lăn, nằm liệt một chỗ nên trung tâm rất chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ. Ngoài việc thăm khám thường ngày, các y bác sỹ ở đây phải nắm bắt được biến chứng thương tật kịp thời của từng bác để từ đó đưa ra phác đồ điều trị sao cho phù hợp với từng người. Trước nhiệm vụ, trọng trách lớn lao.
Giám đốc Nguyễn Văn Thư mong muốn: "Hiện nay các đối tượng nhiễm chất độc hóa học chế độ ăn còn thấp, với trách nhiệm của mình, Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám đốc đã chắt chiu, tiết kiệm các khoản mà các đơn vị, doanh nghiệp đến tài trợ, giúp đỡ để tăng cường thêm phần ăn cho các đối tượng thuộc khoa da cam. Kiến nghị Nhà nước xem xét, hỗ trợ thêm phần ăn cho đối tượng da cam. Bên cạnh đó, các bác thương binh nặng thường xuyên phải đi điều trị tại các tuyến Trung ương, nên trung tâm phải cử cán bộ y tế đi cùng để chăm sóc các bác khi nào các bác ổn định mới được về, nên rất eo hẹp về người, rất cần thêm biên chế. Thực tế, so với vị trí công việc thì hiện trung tâm đang còn thiếu biên chế, rất cần sự quan tâm của các cơ quan cấp trên, giúp chúng tôi hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao".
Trong những năm tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tiếp tục đăng ký việc làm cụ thể và thực hiện tốt về "Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đối với cán bộ, viên chức, lao động; thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng chống tham nhũng giữ vững ổn định về mọi mặt, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đoàn kết góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách đối với người có công với cách mạng và các hoạt động xã hội.
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh, người có công và đối tượng nhiễm chất độc hoá học đang được nuôi dưỡng tại đơn vị và chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận thêm thương binh, bệnh binh nặng, các đối tượng bị nhiễm chất độc Da cam/Đioxin và người có công theo quyết định của Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá.
Thực hiện tốt chế độ khám bệnh định kỳ, phát hiện sớm để điều trị kịp thời phương châm điều trị tại chỗ là chủ yếu, phát huy năng lực của đội ngũ y, bác sỹ giảm tối thiểu chuyển tuyến trên, thường xuyên đảm bảo công tác vệ sinh, không để dịch bệnh xảy ra. Cải tiến cơ cấu khẩu phần ăn cho phù hợp với đối tượng, thực hiện đúng, đủ chế độ tiêu chuẩn; tích cực khai thác nguồn lương thực, thực phẩm tươi ngon, phục vụ đối tượng ăn uống hợp với độ tuổi, bệnh lý, thương tật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Giáo dục nâng cao đạo đức cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động; nâng cao ý thực trách nhiệm cá nhân trước yêu cầu nhiệm vụ, xác định nhiệm vụ phục vụ chăm sóc đối tượng chính sách ngày một tốt hơn.