Chúng tôi có dịp đến thăm Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa vào những ngày đầu Đông 2019. Khác hẳn với những mường tưởng ban đầu, không khí nơi đây thật đầm ấm, rộng ràng tiếng hát về những bài ca chiến trường mà cán bộ trung tâm đang reo hò hát cùng thương bệnh binh. Khuôn viên của trung tâm được bao phủ bởi màu xanh của cây lá, ngỡ như đang bước vào khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa chia sẻ: "Trung tâm hiện có 98 cán bộ, công nhân viên, người lao động đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc 230 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, có 71 thương binh, bệnh binh tâm thần, 42 thương binh, bệnh binh nặng, 29 thân nhân liệt sỹ, 88 đối tượng nhiễm chất độc hóa học.
Bằng trách nhiệm và tấm lòng tri ân sâu nặng, các y bác sĩ, nhân viên tại trung tâm luôn chăm sóc các thương, bệnh binh với tất cả cái tâm, góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh, để thương, bệnh binh vươn lên sống vui, sống khỏe. Muốn làm tốt nhiệm vụ chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đòi hỏi mỗi cán bộ phải xuất phát từ cái tâm của mình – đó là điều mà cán bộ chúng tôi luôn khắc ghi".
Tại Khoa quản lý, chăm sóc thương binh bệnh binh nặng và người có công, bác Nguyễn Xuân Doanh, 59 tuổi, quê xã Đông Tiến (Đông Sơn, Thanh Hóa) là thương binh hạng đặc biệt đang điều dưỡng tại trung tâm cho biết: "Trước đây tôi bị thương tại chiến trường Campuchia, hàng năm tôi vẫn về đây điều dưỡng, phục hồi sức khỏe. Lần nào vào đây cũng vậy, Ban giám đốc và các y bác sĩ của trung tâm chăm sóc rất tận tình chu đáo. Hàng ngày, buổi sáng chúng tôi được các y bác sĩ đến phòng kiểm tra huyết áp, rồi mang đồ ăn sáng đến tại phòng; được tập trị liệu nâng cao sức khỏe, rồi uống thuốc đầy đủ... Bất cứ thời gian nào, nếu đau ốm, hoặc khó ngủ gọi các cháu đều rất nhiệt tình chăm sóc, chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi".
Còn bác Mai Trọng Bái, thương binh 100% đến từ xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa phấn khởi nói: "Tôi năm nay 84 tuổi rồi, hàng năm tôi vẫn về đây điều dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Nói chung cán bộ ở đây từ giám đốc đến nhân viên đều rất nhiệt tình, họ chăm sóc chúng tôi như bố mẹ của mình vậy, không chê vào đâu được. Cán bộ ở đây không nề hà gì cả, hể chúng tôi có triệu chứng, đau ốm là các cháu có mặt ngay bất cứ lúc nào, chúng tôi yên tâm tâm, phấn khởi lắm. Kể cả lúc ốm nặng phải lên tuyến trên, rồi ra Trung ương điều trị, thì đều có cán bộ y tá đi theo phục vụ rất tận tình, chu đáo như người thân của mình vậy".
Lúc chúng tôi đang trò chuyện với bác Bái, cũng là lúc bác sĩ Lê Thị Thịnh đến kiểm tra huyết áp cho các thương bệnh binh, bác sĩ Thịnh tâm sự: "Hơn 10 năm công tác, tôi luôn xem bệnh nhân như người thân ruột thịt của mình vậy, tận tình chăm sóc các bác chu đáo. Bác sĩ chúng tôi làm việc tại đây không chỉ lo kê đơn, điều trị, mà phải hiểu rõ tâm lý của từng bác và làm tất các việc, miễn sao các bác hồi phục nhanh, mạnh khỏe là điều chúng tôi luôn tâm khắc. Có những bác bệnh nặng do vết thương cũ tái phát, đêm hôm đau hoặc khó ngủ, chúng tôi luôn sẳn sàng chăm sóc các bác tận tình, chu đáo, không kể bất cứ thời gian nào. Với lương tâm, trách nhiệm của mình, tôi luôn tâm nguyện phải làm tốt nhiệm vụ, đây cũng là cách mà lớp trẻ tỏ lòng tri ân tới các bậc cha, chú".
Với tình thương và tấm lòng của mình, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng viên nơi đây luôn làm tròn trách nhiệm, chăm sóc các thương, bệnh binh như người thân của mình. Phần lớn cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên ở trung tâm đều còn trẻ và nhiệt huyết với nghề. Trong ca trực của mình, họ không chỉ làm việc theo chuyên môn, nghiệp vụ mà còn lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh; luôn phải theo dõi để phát hiện các hiện tượng bất thường về sức khỏe hay những vấn đề khác của các thương, bệnh binh.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa, mỗi bệnh nhân ở đây đều được thăm khám hàng ngày, điều trị theo phác đồ riêng để điều chỉnh trạng thái tâm lý trở về tương đối bình thường. Từ bệnh lý thần kinh, họ dần trở nên ngại hoạt động, sinh hoạt hơn bình thường, họ đi dần vào thế giới riêng của mình. Chính vì thế, các y bác sĩ thường tổ chức những hoạt động phục hồi chức năng như: Lao động ngoài trời, nhổ cỏ, tập máy, ca nhạc, chơi thể thao nhẹ... để các thương, bệnh binh nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, khi có bệnh nhân nặng phải lên tuyến trên điều trị, trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh điều trị xong.
Do tính chất công việc phải chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt, có những bác không tự sinh hoạt được, phải ngồi xe lăn, nằm liệt một chỗ nên trung tâm rất chú trọng đến vấn đề chăm sóc sức khỏe và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ. Ngoài việc thăm khám thường ngày, các y bác sỹ ở đây phải nắm bắt được biến chứng thương tật kịp thời của từng bác để từ đó đưa ra phác đồ điều trị sao cho phù hợp với từng người.
Trước nhiệm vụ, trọng trách lớn lao, ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người có công Thanh Hóa mong muốn "Hiện nay các đối tượng nhiễm chất độc hóa học chế độ ăn còn thấp, với trách nhiệm của mình, Ban chấp hành Đảng ủy, Ban giám đốc đã chắt chiu, tiết kiệm các khoản mà các đơn vị, doanh nghiệp đến tài trợ, giúp đỡ để tăng cường thêm phần ăn cho các đối tượng thuộc khoa da cam. Kiến nghị Nhà nước xem xét, hỗ trợ thêm phần ăn cho đối tượng da cam. Bên cạnh đó, các bác thương binh nặng thường xuyên phải đi điều trị tại các tuyến Trung ương, nên trung tâm phải cử cán bộ y tế đi cùng để chăm sóc các bác khi nào các bác ổn định mới được về, nên rất eo hẹp về người, rất cần thêm biên chế. Thực tế, so với vị trí công việc thì hiện trung tâm đang còn thiếu biên chế, rất cần sự quan tâm của các cơ quan cấp trên, giúp chúng tôi hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao".