Ngay từ khi tiếp nhận công bố thực hiện Quyết định của Thủ tướng, TS. Nguyễn Thị Hằng đã mạnh dạn cam kết, chất lượng chương trình đào tạo sẽ bảo đảm đạt các chuẩn đầu vào, đầu ra, chuẩn giáo viên, phương pháp giảng dạy và học tập, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo... Tất cả được công khai đến từng người học, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng lao động và cộng đồng. Chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo theo modun, đào tạo chuyên sâu, đào tạo theo hợp đồng của người học và doanh nghiệp. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý nội bộ, để tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường khả năng đào tạo và các hoạt động dịch vụ.
Quá trình phát triển - dám dấn thân
Cái tên ban đầu của trường gắn với Quận Thủ Đức ngày nay: Trung tâm Huấn nghệ Thủ Đức. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975, Trung tâm trở thành một bộ phận của Viện Phục hồi chức năng rồi đổi tên thành Trường dạy nghề Thủ Đức. Ngày 4/12/1976, Trường dạy nghề Thủ Đức tách khỏi Trung tâm Phục hồi chức năng lao động TP. Hồ Chí Minh trở thành một đơn vị sự nghiệp đào tạo độc lập.
Ngày 17/7/1978, Trường mang tên mới là Trường dạy nghề Thương binh Thủ Đức với nhiệm vụ trọng tâm là dạy nghề cho thương, bệnh binh trên phạm vi cả nước. Ngày 10/3/1993, Trường lại được đổi tên thành Trường dạy nghề tàn tật Trung ương II và thành Trường Kỹ nghệ II ngày 14/8/2001. Để đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho xã hội cũng như đáp ứng số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, ngày 31/1/2007, Trường Kỹ nghệ II nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Và ngày 28/10/2016, trường chính thức mang tên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, đây cũng là thời điểm trường bắt đầu thực hiện quản trị nhà trường theo cơ chế tự chủ, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp của nhà trường.
Một trong những bài học quan trọng được rút ra sau 4 năm thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là dám dấn thân trong từng khâu, từng phần. Công thức thành công là đoàn kết, thống nhất, sáng tạo + người đứng đầu nhà trường phải dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cân bằng tính "hợp lý - hợp pháp"
Sau 4 năm tự chủ, làn gió đổi mới ở đây vẫn khí thế như những ngày đầu vào cuộc. Từ Đảng ủy đến Hội đồng trường, Ban giám hiệu, đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ, giáo viên đến học sinh, sinh viên, ai cũng ý thức quyền và nghĩa vụ của mình trong mỗi hành động cụ thể. Bởi, tự chủ đã ghi nhận và đánh giá đúng năng lực, vị trí việc làm.
Từ đó, mọi người hết mình cống hiến được trả công xứng đáng, nếu dừng lại tự họ sẽ tước đi cơ hội sống và làm việc của chính mình. Đặc biệt, với công tác tuyển dụng, tự chủ cho phép các trường chủ động lựa chọn nhân sự; đồng thời, tự tạo ra sức hút đối với những người thích chủ động, sáng tạo đến với nhà trường.
Theo TS. Bùi Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, tự chủ là xu thế; đoàn kết, thống nhất, sáng tạo là chính xác nhưng những người đứng đầu nhà trường còn phải dám làm, dám chịu, với cái đầu nóng, cái tâm trong sáng, công khai, minh bạch.
Nhìn vào một việc cụ thể của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II sẽ thấy, trong việc hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp, nếu lãnh đạo nhà trường không kiên quyết, dũng cảm, sẽ khó đưa ra những hình thức hợp tác mang lại lợi ích cho chính mình và cho học sinh như hiện nay. Đồng thời, nếu đổi mới mà luôn mang tâm trạng "lo ngại" cũng sẽ làm mất đi các cơ hội tốt.
Doanh nghiệp - Nhà trường không thể tách rời
Trên thị trường lao động, việc cam kết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp không còn là chuyện mới. Tuy nhiên, dám cam kết bằng hợp đồng với phụ huynh và học sinh, chịu trách nhiệm đầu ra việc làm khi ra trường như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II vẫn là một quyết định bản lĩnh. Ngoài hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI, nhà trường không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, giúp người học luôn được tiếp cận cái mới, hiện đại và tất nhiên, có cả việc nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học viên.
Một trong những điểm nhấn của trường tự chủ là sự gắn bó mật thiết với doanh nghiệp từ khâu xây dựng chương trình, giáo trình, đến đào tạo và bảo đảm đầu ra cho học sinh. Mức độ gắn kết với doanh nghiệp của từng trường cũng đo bằng kết quả tuyển sinh hay mức tăng học phí của từng môn học.
Như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, 40% module môn học được chuyển xuống doanh nghiệp đào tạo; chuyển đổi 28 nghề đào tạo theo mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp; thu hút nhiều cán bộ kỹ thuật từ các doanh nghiệp tham gia giảng dạy tại trường; mỗi khoa lựa chọn được ít nhất 5 "doanh nghiệp chiến lược"; ký hàng chục hợp đồng cung ứng lao động với nhiều doanh nghiệp và hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Giám đốc một doanh nghiệp về ô tô tại Đồng Nai cho biết lý do chọn HVCT không gì khác ngoài chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các em được nhà trường chú trọng rèn kỹ năng, ½ khóa học được thực hành trên thiết bị tại doanh nghiệp, vì thế khi bắt tay vào việc, các em không bị lúng túng. Trường luôn tìm hiểu, lắng nghe những góp ý chuyên môn của doanh nghiệp, do đó giữa hai bên luôn tìm được tiếng nói chung trong xây dựng chương trình giảng dạy.
Ông Trần Tiến Đạt - Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Điện Xanh chia sẻ: "Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II có cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo sinh viên đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Hàng năm công ty đều liên kết với nhà trường để đào tạo và nhận nhiều sinh viên đến làm việc sau khi tốt nghiệp".
Là một trong những doanh nghiệp luôn đồng hành với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, ông Trần Xuân Minh - Giám đốc Kỹ thuật Công ty CNCTECH chia sẻ: "Các sinh viên của Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II được đào tạo rất bài bản. Tôi đánh giá cao chất lượng sinh viên được đào tạo tại trường này".
Với phương châm "Trường và doanh nghiệp là hai thành tố của thị trường lao động", trường luôn trân trọng và tìm mọi cách để gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. "Sự gắn kết không dừng lại ở hợp tác đơn thuần mà coi doanh nghiệp như là chủ thể, như một phần cơ thể của nhà trường để mang đến cho nhà trường, doanh nghiệp, học sinh những lợi ích thiết thực nhất" - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, TS. Nguyễn Thị Hằng khẳng định.
42 năm qua đi, Cao đẳng Kỹ Nghệ II không chỉ mang đến cho xã hội nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao mà còn hỗ trợ các sinh viên phát triển toàn diện kỹ năng và năng khiếu của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điển hình là nhiều sinh viên của trường ngay đã lần lượt ghi tên mình vào nhiều giải thưởng cao quý tại Việt Nam và Quốc tế.
Trải qua một chặng đường dài với nhiều thành công và những bước đột phá mạnh mẽ trong công tác xây dựng và phát triển, trường Cao đẳng Kỹ nghệ II tự hào về những bứt phá, mang đến những thành tựu giáo dục đáng quý cho nước nhà. Bước chuyển mình đầy tự tin sang quá trình tự chủ với những quả ngọt chính là minh chứng cho những nỗ lực đáng tuyên dương của cả một tập thể. Tự tin và kiêu hãnh xây ngôi nhà tự chủ cho biết bao thế hệ học sinh, sinh viên, tin rằng cái tên Cao đẳng Kỹ nghệ II sẽ còn vang xa và trở thành niềm tự hào cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.