Tin từ Vietnamnet cho biết, ngày 17/7, GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế chủ trì hội nghị rà soát triển khai đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025. Đề án này vừa được Bộ Y tế phê duyệt cuối tháng 6 vừa qua.
GS Long nhấn mạnh, khám chữa bệnh từ xa chắc chắn sẽ không thể thay thế khám, chữa bệnh truyền truyền thống, nhưng đây sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến. Khi đó, y tế tuyến trên không còn quá tải, tuyến dưới được nâng cao trình độ, người dân được hưởng lợi, tiết kiệm chi phí đi lại.
Trước đây, do chưa được triển khai đồng bộ, khám bệnh từ xa ở nước ta chủ yếu theo phương thức 1-1, tức 1 bệnh viện hỗ trợ 1 bệnh viện.
Nay với đề án mới, khám bệnh từ xa có thể mở rộng 1-N, tức 1 bệnh viện tuyến hỗ trợ cùng lúc nhiều bệnh viện tuyến dưới, tất cả cùng tham gia hội chẩn, theo dõi các ca bệnh để học tập, nâng cao chuyên môn. Từ tuyến dưới, người dân có thể được gặp, trò chuyện từ xa trực tiếp với bác sĩ ở tuyến trên.
Bên cạnh đó, đề án sẽ triển khai bác sĩ hỗ trợ trực tiếp theo mô hình 1-4-4-2, tức 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã.
"Việc thực hiện đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Tất cả đều được hỗ trợ chuyên môn như nhau", GS Long nói rõ.
Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, 24 bệnh viện tuyến trên, trong đó có 18 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 6 bệnh viện của Hà Nội và TP.HCM sẽ tham gia khám chữa bệnh từ xa. Trong đó, mỗi bác sĩ giỏi tại các bệnh viện nói trên phải dành ít nhất 1 tiếng/ngày để hỗ trợ các y, bác sĩ tuyến dưới.
Khi thực hiện rộng khắp, hoạt động này sẽ trở thành một dịch vụ y tế, một hoạt động thường quy tại các bệnh viện.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 vừa được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 về việc phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.
Mục tiêu của Đề án được xác định là: "Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân". (Suckhoetoandan.vn).