Ngành mới theo tiêu chí "hot", đón đầu xu thế 4.0
Năm 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ chính quy, mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có một số ngành đào tạo thí điểm như: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Sư phạm Lịch sử và Địa lý; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục mầm non; Điều dưỡng; Hàn Quốc học, Văn hóa học, Nhật Bản học.
Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành: Tiếng Nhật Thương mại, Tiếng Trung Thương mại; Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn. Còn Trường ĐH Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh mới 5 ngành gồm: Marketing-Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Trường Đại học Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, đây đều là thế mạnh của trường, những ngành như quản trị du lịch, Logistis sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.
Trường Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mở thêm ngành Khoa học máy tính hướng trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật máy tính hướng hệ thống nhúng và IoT (Internet of Thing - Internet vạn vật). Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chú trọng ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, ngành Hệ thống nhúng và IoT.
Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến sẽ tuyển thêm 2 ngành mới: IoT và AI ứng dụng, khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và AI ứng dụng là ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động.
Ngoài ra, ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng mặc dù là ngành ra đời sau nhưng với với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dịch vụ logistics trong nước thì nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này đang rất lớn nên tiếp tục được các trường chú trọng. Bên cạnh đó một số ngành nghề được cho là mũi nhọn của Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ "dừng chân tại chỗ".
Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản than và điều kiện gia đình
Theo nhiều chuyên gia, việc mở thêm những ngành học mới xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như những thay đổi trong cơ chế, chính sách và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc một vài ngành "hot" được mở ồ ạt cũng dẫn đến những lo ngại về sự bão hòa của thị trường nhân lực trong tương lai.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, thí sinh phải đọc kỹ xem các chương trình mới đó cụ thể là gì, có phù hợp với nguyện vọng, sở thích và điều kiện của cá nhân cũng như gia đình không.
Ngoài ra, thí sinh nên tìm hiểu qua các kênh thông tin về ngành nghề đó hoặc trực tiếp vào các trang web của trường quốc tế mà cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam liên kết đào tạo để tìm hiểu xem thực sự có chương trình đó hay không, nếu có thì họ đào tạo như thế nào? "Trước đi đăng ký, thí sinh bình tĩnh, xác định đúng với năng lực, sở trường của mình; có thể tuân thủ theo nguyên tắc 3 bậc: Cao hơn - ngang bằng - thấp hơn so với học lực, sở thích của mình để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn", PGS.TS Bùi Đức Triệu lưu ý.
Thạc sĩ Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Quảng bá cộng đồng, Trường ĐH Trà Vinh cho rằng: Cha mẹ cần phải hiểu rõ đam mê nghề nghiệp của con em, đây là động lực để các bạn rèn luyện chuyên môn sau này. Tiếp đó là hiểu về năng lực và thế mạnh của con em để đưa ra định hướng sát với mục đích. Cuối cùng, việc đưa ra lời khuyên lựa chọn nghề nghiệp cho con em cũng phải tính đến một môi trường sống phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, phát triển cá nhân.
"Cơ hội nghề nghiệp hay là cơ hội việc làm sẽ là thuận lợi để bạn đó thành công trong cuộc đời. Nhưng cũng có thể gặp khó khăn, nếu như cha mẹ - những người cận kề và hiểu rõ con mình nhất lại đưa ra những toan tính sai lầm đáng tiếc", Thạc sĩ Nguyễn Đồng Khởi nhấn mạnh.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho biết, 5 nhóm ngành đại học kém lợi thế nhất trong năm 2019 với tỉ lệ nhập học thấp gồm: Ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản (tổng chỉ tiêu 11.582, nhập học 3.776, đạt 32,60%); Khoa học tự nhiên (tổng chỉ tiêu 5.703, nhập học 1.972, đạt 34,58%); Môi trường và bảo vệ môi trường (tổng chỉ tiêu 7.012, nhập học 3.175, đạt 45,28%); Dịch vụ xã hội (tổng chỉ tiêu 2.969, nhập học 1.357, đạt 45,71%); Khoa học sự sống (tổng chỉ tiêu 6.905, nhập học 3.455, đạt 50,04%).