Theo đó nhóm hạt giống thứ 1 ở khu vực Đông Á, ngoài Việt Nam còn có Hàn Quốc, Oxtraylia, Thái Lan và CHDCND Triều Tiên. Nhóm 2 gồm các đội tuyển: U23 Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Myanmar và Singapore.
Việc U23 Việt Nam được xếp hạng tốt hơn Nhật Bản và Trung Quốc là do ở VCK U23 châu Á 2020 trên đất Thái Lan dù bị loại sớm nhưng thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn có thành tích tốt hơn 2 đội bóng Đông Á khi có được 2 điểm sau 2 trận hòa U23 UAE và Jordan.
Trong khi đó U23 Nhật Bản chỉ có được 1 điểm sau trận hòa 1-1 với U23 Qatar còn Trung Quốc toàn thua cả 3 trận.
Tuy nhiên việc U23 Nhật Bản bị đẩy xuống nhóm 2 sẽ khiến nhiều đội thuộc nhóm 1 trong đó có ĐT U23 Việt Nam có cớ để lo lắng, nếu nằm cùng bảng ở vòng loại sắp tới.
Nhóm hạt giống thứ 3 của khu vực Đông Á bao gồm các đội bóng đến từ Hồng Kông, Lào, Indonesia, Timor Lester và Campuchia. Nhóm 4 có Đài Bắc Trung Hoa, Mông Cổ, Philippines, Macau, Brunei, Guam và đảo Bắc Mariana.
Như vậy, ở khu vực Đông Á có 2 bảng 5 đội và 3 bảng 4 đội ( gồm 5 bảng). Trong khi đó 24 đội khu vực Tây Trung và Nam Á sẽ được chia làm 6 bảng, mỗi bảng có 4 đội.
Vòng loại U23 châu Á dự kiến khởi tranh từ ngày 23 - 31/10/2021. Các bảng đấu sẽ được tổ chức ở một quốc gia theo hình thức thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm. Căn cứ vào điểm số có được của các đội, Ban tổ chức sẽ chọn 11 đội đầu bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt lọt vào VCK cùng với chủ nhà Uzbekistan dự VCK.
Ở vòng loại sắp tới, chủ nhà Uzbekistan cũng tham dự để cọ xát. Nếu U23 Uzbekistan nằm trong số 15 đội giành vé kể trên, suất tham dự sẽ được chuyển sang đội nhì bảng có thành tích tốt thứ 5.
Theo kế hoạch, vòng chung kết U23 châu Á 2022 với 16 đội tuyển hàng đầu châu lục sẽ diễn ra từ 1 – 19/6/2022.