Các thiết bị và vật tư y tế sẽ được phân phát cho các bệnh viện tuyến huyện được ưu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, cũng như một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ lụt vừa qua.
Những thiết bị và vật tư y tế thiết yếu trên đã được bàn giao cho Bộ Y tế Việt Nam vào ngày 7/1 tại trụ sở Tòa nhà Liên Hợp Quốc. Lễ bàn giao được chủ trì bởi Bà Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Tài chính - Bộ Y tế và Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.
Kể từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái chủ động kiểm soát dịch bệnh. Tính đến ngày 4 tháng 1 năm 2021, Việt Nam đã có 1.494 ca mắc COVID-19, trong đó có 35 ca tử vong.
Theo ước tính của một nghiên cứu mô phỏng gần đây của UNFPA, trong kịch bản xấu nhất, số ca tử vong mẹ trên toàn quốc sẽ tăng 65% vào năm 2020, tương đương với 443 ca tử vong tăng thêm. Điều này có thể đảo ngược các thành tựu phát triển mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua và đe đọa đến việc hoàn thành Mục tiêu Phát triển Bền vững 3 (SDG 3). Như đã thấy trên toàn cầu trong suốt năm 2020 và vào đầu năm vừa rồi tại Việt Nam, COVID-19 có thể làm quá tải hệ thống y tế, phụ nữ mang thai có xu hướng hoãn hoặc hủy khám thai và các buổi khám liên quan đến thai sản do lo sợ lây nhiễm vi-rút. Điều này có thể cản trở việc xác định các nguy cơ và biến chứng thai sản, dẫn đến những ca tử vong mẹ không đáng có.
"Sự kiện ngày hôm nay có ý nghĩa bổ sung cho nỗ lực phòng, chống COVID-19 của Chính phủ, nhằm đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục thiết yếu không bị gián đoạn. Ngay cả với một quốc gia thành công như Việt Nam, cuộc chiến phòng, chống COVID-19 vẫn chưa đi đến hồi kết. Đây chính là thời điểm cần chuẩn bị cho các cơ sở y tế và nhân viên y tế sẵn sàng bảo vệ phụ nữ mang thai" - Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, phát biểu.
PGS/ TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch & Tài chính, đánh giá cao những hỗ trợ của UNFPA và khẳng định: "Bảo vệ sức khỏe của tất cả người dân là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời kỳ dịch COVID-19, đặc biệt là phụ nữ mang thai tại vùng dân tộc thiểu số và vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Để phòng, chống COVID-19 một cách hiệu quả, việc bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế có ý nghĩa tối quan trọng".
"Việc mang thai hay sinh con sẽ không vì tình hình đại dịch mà dừng lại. Chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn COVID-19 cũng như các hệ lụy của nó và bảo vệ sức khỏe và quyền của phụ nữ và trẻ em gái ngay bây giờ" - Bà Kitahara phát biểu tại lễ bàn giao.
UNFPA đang nỗ lực để đảm bảo duy trì việc cung ứng các phương tiện tránh thai hiện đại và hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và đảm bảo rằng các cán bộ hộ sinh và nhân viên y tế khác có thiết bị bảo hộ cá nhân để bảo vệ bản thân. Chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản là quyền con người. UNFPA kêu gọi các đối tác cùng tham gia hỗ trợ ứng phó với COVID-19, mua sắm và cung cấp vật tư thiết yếu cho những đối tượng dễ gặp rủi ro nhất, ví dụ như phụ nữ mang thai và phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới.