Trong hai ngày 2- 3/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo tập huấn "Ứng phó bạo lực đối với lao động nữ di cư dành cho cán bộ ngoại giao".
Tham dự Hội thảo có hơn 100 cán bộ ngoại giao, phần lớn là những người sẽ công tác tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn, ông Vũ Việt Anh, Cục trưởng Cục Lãnh sự khẳng định, trong quản lý di cư, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài là ưu tiên hàng đầu và cũng là nhiệm vụ quan trọng trong chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại của Bộ Ngoại giao.
Hội thảo sẽ góp phần nâng cao năng lực của các cán bộ ngoại giao tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ, bảo vệ quyền của người di cư, đặc biệt là lao động nữ di cư bị bạo lực.
Ông Koen Duchateau, Trưởng Ban Hợp tác phát triển Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ việc thực hiện Chương trình "An toàn và Bình đẳng" sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lao động di cư trong đó có phòng, chống bạo lực đối với lao động nữ di cư và phòng, chống mua bán người.
Ông cũng khẳng định Hội thảo là cơ hội để trao đổi và triển khai các giải pháp nhằm tăng cường ứng phó bạo lực đối với lao động nữ di cư khi họ làm việc ở nước ngoài.
Theo bà Melissa Alvarado, Giám đốc Chương trình Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ thuộc Văn phòng vùng của UN Women tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, "lao động nữ di cư đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia nhập cư cũng như quốc gia xuất cư nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Đặc biệt là dễ bị tổn thương hơn nếu bị bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong tất cả các giai đoạn của quá trình di cư. Phụ nữ di cư thường không biết phải tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, có thể không có dịch vụ vào thời điểm và tại nơi mà họ cần hoặc bằng ngôn ngữ mà họ hiểu được".
Chia sẻ với bà Melissa Alvarado, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc Tế khẳng định, khi không được tiếp cận hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, lao động nữ di cư có thể dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng bóc lột lao động và phải đối mặt với các rủi ro về bạo lực.
Vì vậy, Hội thảo này là một cơ hội tốt để đảm bảo rằng lao động nữ di cư tiếp cận được các nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng, những người đối xử với họ bằng sự tôn trọng và phẩm giá.
Hội thảo kéo dài trong 1,5 ngày sẽ giới thiệu các khái niệm về giới, bạo lực giới, vấn đề di cư, công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng như kỹ năng ứng phó bạo lực đối với lao động nữ di cư.
Mục đích của Hội thảo nhằm nâng cao năng lực của cán bộ ngoại giao trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ đối với lao động nữ di cư Việt Nam là nạn nhân của bạo lực, giúp đảm bảo quyền lợi, sự an toàn và nhân phẩm của người lao động di cư nói chung, lao động nữ di cư nói riêng, góp phần thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và quản lý hiệu quả di cư quốc tế của Việt Nam.
Chương trình An toàn và Bình đẳng: Hiện thực hóa quyền và nghĩa vụ của lao động nữ di cư tại khu vực ASEAN là một phần của Sáng kiến tiêu điểm nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, sáng kiến toàn cầu được Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) thực hiện trong nhiều năm.
Chương trình An toàn và Bình đẳng được thực hiện thông qua sự hợp tác giữa ILO và UN Women (phối hợp cùng UNODC) nhằm mục tiêu đảm bảo di cư lao động an toàn và bình đẳng cho tất cả mọi phụ nữ trong khu vực ASEAN. Thời gian thực hiện chương trình là 5 năm từ năm 2018 - 2022.