Hội nghị nằm trong khuôn khổ các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và thuộc chuỗi các nỗ lực do Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN chủ trì nhằm ứng phó với đại dịch, chủ đề "Ứng phó và An sinh xã hội cho Người khuyết tật trong và sau Covid-19".
Tham gia trực tuyến gồm các đầu mối phụ trách Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển (SOMSWD), các thành viên của Mạng lưới Người khuyết tật ASEAN đến từ 10 nước thành viên ASEAN; Ban Thư ký ASEAN; và đại diện các đối tác quốc tế như UNESCAP, UNDP, ILO.
Tại Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đến từ Liên Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam và các tổ chức, chi hội, công ty, doanh nghiệp của người khuyết tật; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Lao động - TB&XH và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc, bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam nhận định, năm 2020 đã chứng kiến hàng loạt các sự kiện đã diễn ra với tầm ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu, đặc biệt là sự bùng nổ của dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, những khó khăn mà người khuyết tật phải đối mặt bị nhân lên nhiều lần: khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm và chăm sóc sức khỏe.
Trong cuộc chiến chống đại dịch này, bà Mai cho biết, bên cạnh các kênh truyền thông đại chúng, Liên hiệp hội và các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực thúc đẩy công tác thông tin, tuyên truyền đến các hội viên để đảm bảo người khuyết tật có thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và kịp thời về cách phòng chống sự lây lan của dịch bệnh.
"Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực để hỗ trợ người khuyết tật cũng được đẩy mạnh", bà Đặng Huỳnh Mai thông tin.
Đồng tình với các nội dung mà Chủ tịch Liên Hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam chia sẻ, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi khẳng định, khu vực ASEAN luôn dành sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến người khuyết tật.
Với vai trò là Chủ tịch của ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN thúc đẩy các sáng kiến của ASEAN về ứng phó Covid-19 như: xây dựng Quỹ ASEAN về ứng phó dịch Covid-19; thiết lập Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế; đề xuất Quy trình chuẩn của ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; thành lập Trung tâm ASEAN về dịch bệnh mới nổi và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp; xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai.
Dù có nhiều nỗ lực được thực hiện nhưng những khó khăn liên quan đến tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe, việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội vẫn còn tồn tại, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, cơ quan và toàn thể người dân.
Trên cơ sở đó, Hội nghị ghi nhận phần chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên ASEAN, chia sẻ của đại diện các tổ chức của người khuyết tật về các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với người khuyết tật; việc triển khai Kế hoạch Tổng thể về lồng ghép quyền của người khuyết tật trong ASEAN đến năm 2025 vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng;
Cũng như việc đảm bảo các biện pháp ứng phó trong và sau đại dịch cho người khuyết tật; những sáng kiến và hoạt động nhằm hỗ trợ, cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật và gia đình của họ.
Trong phần 2 của Hội nghị, các đại biểu được chia thành 3 nhóm thảo luận tập trung vào các nội dung bao gồm: các biện pháp an sinh xã hội; các giá trị thích ứng mới; và các dịch vụ công thiết yếu.
Cuối cùng, Hội nghị đã nhất trí với các ý kiến, sáng kiến được đưa ra nhằm hỗ trợ hòa nhập cho người khuyết tật trong các mặt của đời sống chính trị - xã hội, hỗ trợ người khuyết tật không chỉ đạt được mục tiêu được bảo vệ và quan tâm mà còn là những thành viên chủ động và tích cực, tăng cường vai trò chủ động của họ trong việc ngăn chặn dịch Covid-19 cũng như phục hồi sau đại dịch.