Họ - những văn nghệ sĩ, những người chiến sĩ xung kích thực sự trên mặt trận Điện Biên năm nào nay người còn, người mất. Nhưng tên tuổi họ, những dấu ấn để đời của họ thì còn đó vĩnh hằng.
Còn nhớ, ngay những giờ khắc sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, cả nước đã dấy lên nhiều phong trào, trong đó có phong trào văn nghệ sĩ đầu quân cho công cuộc kháng chiến. Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng vẫn còn đây những tên tuổi của: Thâm Tâm, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Thế lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Phúc, Chính Hữu...
Nhưng đau thay, trong những tên tuổi đáng kính ấy, có những người đã ra đi và mãi mãi không còn được chứng kiến những phút giây chiến thắng hào hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Bên cạnh, vẫn còn đó những văn nghệ sĩ đã cùng đi suốt cuộc kháng chiến và trực tiếp có mặt trong chiến dịch lịch sử không thể nào quên ấy. Nhà thơ Chính Hữu nhớ lại rằng: Tôi bước vào đời người lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với niềm say mê hào hứng của tuổi trẻ. Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, hơn lúc nào hết, người lính chúng tôi mong muốn được bồi đắp không ngừng về đời sống tinh thần, được nói lên tình cảm và lí tưởng của thế hệ mình. Và người lính cảm thấy cần phải có những nhà thơ của chính mình, riêng mình... Chính những suy nghĩ đơn giản như thế nên khi đang là chính trị viên một đại đội, Chính Hữu từng ghi cảm xúc của mình bằng những vần thơ chân thực: "Lòng vui rưng rưng câu hát; của chúng ta làm ca ngợi chúng ta".
Những năm tháng lớn lên tiếp nối trong môi trường quân đội, nhà thơ đã có điều kiện nhận thức sâu hơn về đời sống kháng chiến và cảm xúc về người chiến sĩ cũng dần được đổi mới. Chính bài thơ "Đồng chí" đã được bắt nguồn từ những rung động sâu sắc về hình ảnh những người đồng đội, đồng chí trong chiến dịch Việt Bắc và được đăng lần đầu tiên trên bích báo của đại đội.
Đặc biệt, nhà thơ đã từng kể: Tôi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu cho đến khi kết thúc. Một số bài thơ tâm đắc nhất trong đời tôi như "Giá từng thước đất", "Thư nhà" sau hòa bình mới ra mắt bạn đọc, nhưng thực ra nó đã được hình thành trong tôi từ những ngày chiến đấu ở mặt trận phía Tây của chiến dịch lịch sử đó.
Nhà thơ nhớ lại: "Hồi ấy, trong công tác chính trị viên tiểu đoàn, hàng ngày tôi phải trông nom, chôn cất những đồng đội đã hi sinh. Điều gây xúc động mạnh trong tôi là các chiến sĩ không có người nào chết trong khi nghỉ ngơi. Họ đều hi sinh trong tư thế hành động... Và suốt 56 ngày đêm đào công sự chiến đấu, nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại bên bờ chiến hào. Ngày chiến thắng, đứng trên hầm Đờ-cát, nhìn quang cảnh cánh đồng Điện Biên, tôi thấy rõ những nấm mộ hai bên chiến hào. Lúc ấy, tôi mới thấm thía cái giá mà người lính phải trả. Sau này, những tứ thơ từ đó mà vụt hiện ra :
Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi
Ta mới hiểu
giá từng thước đất (Giá từng thước đất).
Và chiến dịch Điện Biên cũng chính là nguồn cảm xúc cho "Thư nhà " tràn đầy tình cảm hậu phương, tiền tuyến: "Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng; Hai vai khó nhọc; Viết cho ta ngổn ngang từng nét; Như gồng như gánh dân công; (...); Một lá thư nhà; Chia đôi nhiệm vụ; Hai người đoàn tụ; Hai đầu chiến trường"...
Rồi còn đó những nhà văn - chiến sĩ như Thiếu tướng Dũng Hà. Sau này, ông từng là Chủ nhiệm chính trị Bộ đội đặc công, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội. Ở tuổi 25, ông đã là cán bộ Tiểu đoàn chiến đấu ở đơn vị nổi danh - Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316). Tại chiến dịch lịch sử đó, đơn vị ông được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1, một trận đánh trải qua 38 ngày đánh lấn "khoét núi, ngủ hầm... máu trộn bùn non".
Từ trong chiến dịch đã tạo nên cảm xúc thực sự cho một cây bút không chuyên một cuốn tiểu thuyết dày 400 trang - "Mảnh đất yêu thương" cùng truyện ngắn "Theo chồng" và những tác phẩm được dựng thành phim như: "Cây số 42", "Đêm chiến hào". Với ông, mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ mãi là "Mảnh đất yêu thương".
Tháng 4, ngày ta nhớ đến một nhà văn đã đi xa, một nhà văn cũng đã từng để dấu ấn trong chiến dịch lịch sử trọng đại này. Đó chính nhà văn Nguyễn Đình Thi. Ông cũng chính là một chiến sĩ thực sự. Trung đoàn Thủ Đô của ông lúc đó có quân số hơn 1.000 người, trong trận đánh các ngọn đồi phía đông Mường Thanh, số thương vong đã lên tới 840 đồng chí. Kỷ niệm của ông với chiến dịch thì nhiều nhưng đáng kể nhất lại là một câu chuyện rất văn, rất đời.
Đó là câu chuyện ông cảm hóa thiếu úy tù binh Pháp Sô-en-đốp-phơ. Những cử chỉ thân ái, những lời nói có tình, có lí của nhà văn Việt Nam đã tác động sâu sắc tới suy nghĩ của một tù binh Pháp. Sau này Sô-en-đốp-phơ trở thành nhà văn, đạo diễn phim. Ông đã có nhiều lần sang thăm Việt Nam và rất có cảm tình với đất nước và con người Việt Nam. Gặp lại nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông mừng lắm. Trước đây họ là kẻ thù, bây giờ họ là bạn bè, đồng nghiệp, họ đã cùng nhau cho ra đời những thước phim, trang viết mang hạnh phúc và niềm vui đến cho mọi người.
Rồi còn đó những câu chuyện cảm động của vị tướng - nhạc sĩ Đỗ Văn Phúc. Năm 1954, nhạc sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 56, trung đoàn 98, đại đoàn 316. Là người đánh giặc giỏi, văn nghệ cừ. Ông đã từng tự biên vở "Hàn Đỗ" đạt giải nhất văn nghệ trung đoàn. Trận đồi C1, đại đội ông chiến đấu ròng rã suốt 31 ngày đêm, 75% quân số hi sinh. Đặc biệt, chính ông và chính trị viên đại đội đã dùng tiếng kèn ác-mô-ni-ca để động viên chiến sĩ ta và làm công tác địch vận cảm hóa kẻ thù.
Tất nhiên, trong hàng ngũ văn nghệ sĩ có mặt ở chiến trường Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, người đã trực tiếp tham gia trận Him Lam, từng có mặt ở những nơi xung yếu nhất của chiến dịch, người đã để lại cho chúng ta khúc quân hành "Hành quân xa" và ca khúc đầy dấu ấn "Chiến thắng Điện Biên"...
67 năm nhưng mãi trong ta dư âm của chiến thắng Điện Biên, hình ảnh, tên tuổi của những văn nghệ sĩ trên chiến trường Điện Biên năm nào còn đọng nguyên trong kí ức.