Canh bạc đỏ đen
Tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nơi có 5 người được nghi bị tử vong tại Anh trong container vào ngày 23/10 vừa qua đang lặng ngắt trước cảnh tang thương buồn bã! Nhưng nhiều người dân ở đây vẫn cho rằng, "sống chết đã có số". Nếu ở nhà trông chờ vào mấy sào ruộng khoán thì cuộc sống không bao giờ ngóc đầu lên được, con cái không biết lấy gì để học hành, đói nghèo cứ bám lấy đói nghèo. Bởi vậy, thà rằng đi lao động "chui" ở nước ngoài để chấp nhận "canh bạc đỏ đen", mong chờ vào vận may còn hơn.
Anh Đậu Bá Kiến (55 tuổi) trú tại thôn Thiên Hương, xã Thiên Lộc chia sẻ: "Sau khi xây dựng gia đình, nhận thấy cuộc sống của mình cứ luẩn quẩn trong khó khăn, không tài nào ngước đầu lên được giữa mấy sào ruộng khoán. Bởi vậy, năm 2000, nhờ người môi giới đưa sang Nga làm ăn bằng nghề lao động phổ thông với mức thu nhập khoảng 200 USD đến 500 USD/ 1 tháng.
Tuy nhiên ở Nga làm ăn so với các nước Tây Âu vẫn có khoảng cách lớn, nên năm 2002, anh tiếp tục cuộc phiêu lưu từ Nga sang Cộng hòa liên bang Đức thông qua đường dây môi giới của người nước ngoài. Sang Đức anh làm nghề buôn bán thuốc lá, mỗi tháng cũng cho thu nhập từ 500 USD đến 1.000 USD. Trong lần vượt biên từ Nga sang Đức anh đã suýt chết vì đói và rét tại khu vực biên giới. Tại Đức anh cũng bị bắt bớ nhiều lần. Cuối cùng năm 2003 anh bị trục xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, trừ các khoản chi phí, trong 3 năm làm ăn ở châu Âu anh cũng kiếm được chút tiền về xây dựng nhà cửa, nuôi 3 đứa con ăn học.
Chị H (42 tuổi) ở thôn Yên Đình, xã Thiên Lộc từng đi xuất khẩu lao động sang đảo Síp theo con đường chính thống từ năm 2009. Ở Síp chị làm nghề phụ giúp gia đình với mức thu nhập bình quân 400 USD/ tháng. Tuy nhiên, do phải mất chi phí làm thủ tục xuất khẩu lao động với số tiền 5.400 USD, nên sau 4 năm làm ăn trở về nước chi trả các khoản vay trước đó, tính đi tính lại chẳng còn lại mấy. Theo chị H. sang đảo Síp, người lao động Việt Nam được đối xử rất tốt, nhưng nếu ai vượt sang Đức, đặc biệt sang Anh làm ăn thu nhập sẽ cao hơn nhiều.
Ông Võ Minh Giang (sinh năm 1970) tại thôn Trường Lộc, xã Thiên Lộc từng đi lao động "chui" tại Anh tâm sự: "Ban đầu tôi định sang Anh làm nghề trồng cần sa. Sau thấy nghề này quá nguy hiểm nên tôi quay sang làm nghề lao động tự do, mỗi tháng cũng cho thu nhập bình quân từ 1000 đến 2000 USD. Trong quá trình lao động tại Anh từ năm 2010 đến 2011 tôi bị bắt giữ 2 lần, sau đó bị trục xuất về nước, nhưng trong khoảng thời gian ngắn ở Anh tôi cũng kiếm được một khoản tiền để trang trải trong gia đình".
Rủi ro luôn được cảnh báo
Ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: Trong khoảng 8 năm lại nay trên địa bàn xã Thiên Lộc có khoảng 7 người đi lao động ở nước ngoài bị tử vong. Trong số đó hầu hết là lao động đi bằng đường bất hợp pháp. Cao điểm nhất là vào từ năm 2002 đến năm 2005, xã Thiên Lộc có phong trào đi "chui" sang châu Âu làm ăn với số lượng nhiều nhất.
Hiện xã Thiên Lộc có 8.200 nhân khẩu, nhưng đã có khoảng 1.300 lao động đang làm ăn ở nước ngoài, trong đó số người tham gia bằng đường không chính thống chiếm tỷ lệ cao.
Dù có nhiều lao động làm ăn ở nước ngoài, nhưng thu nhập bình quân đầu người tại Thiên Lộc cũng chỉ đạt 34.7 triệu đồng/1 năm, tỷ lệ hộ nghèo 3,1%, hộ cận nghèo 4,2%. Hàng năm xã vẫn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền về lao động việc làm, hướng dẫn người dấn tham gia đi xuất khẩu lao động theo con đường hợp pháp.
Ông Võ Tá Lương, Trưởng thôn Trường Lộc, xã Thiên Lộc cho rằng: Trong thôn hầu như nhà nào cũng có người đi làm ăn ở nước ngoài, có người đi xuất khẩu lao động, có người đi "chui". Hiện tại trong thôn có 2 người được nghi bị tử vong tại Anh vào ngày 23/10 vừa qua, gia đình và làng xóm đang nóng lòng chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. Biết rằng trốn sang Anh làm ăn là không hợp pháp nhưng con em địa phương người đi trước vẫn liên lạc với người đi sau tìm cách sang đó làm ăn, mong gặp may mắn đổi đời.
Ông Võ Xuân Phong, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: Can Lộc là địa phương có người làm ăn ở nước ngoài thuộc diện nhiều nhất tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Can Lộc vẫn thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động, đồng thời khuyến cáo người dân không đi làm việc ở nước ngoài bằng đường dây bất hợp pháp. Tuy vậy trên thực tế địa phương vẫn không thể quản lý được tất cả.