Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho biết: Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ khuyết tật khá cao. Dịch vụ xã hội cho trẻ khuyết tật hiện mới đáp ứng nhu cầu cơ bản để sống, tồn tại cho trẻ mà chưa có tư vấn cũng như tạo điều kiện để phát huy những thế mạnh của trẻ.
Lớp học dành cho trẻ khuyết tật.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương trong năm 2016, tổng số trẻ em khuyết tật của 55/63 tỉnh/ thành phố là 202.085 em, chiếm 0,7% trẻ em. Phân loại theo dạng khuyết tật cho thấy, trẻ em khuyết tật vận động chiếm tỷ lệ cao nhất với 28%, khuyết tật trí tuệ 18%,...
Cả nước hiện có 5.287 trường học tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; 584 trường học tổ chức giáo dục chuyên biệt; 186 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật. Việc tiếp cận các dịch vụ của trẻ em khuyết tật vẫn còn hạn chế. Mới có 25% trẻ em khuyết tật được phục hồi chức năng tại cộng đồng. 39% trẻ khuyết tật được đi học, có 78% trẻ khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 78% trẻ em khuyết tật được hưởng trợ cấp....
Tình trạng bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng khiến cho người khuyết tật nói chung và trẻ khuyết tật nói riêng gặp khó khăn trong sinh hoạt, học tập và tham gia vào các lĩnh vực hoạt động và đời sống xã hội so với những người khác, trẻ em không bị khuyết tật. Kết quả khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có tới 65 – 70% số người khuyết tật đang sống dựa vào gia đình, người thân, trợ cấp xã hội hoặc các tổ chức từ thiện.
Trong bối cảnh trẻ em khuyết tật rất cần được tạo điều kiện tối đa để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng với mục tiêu mọi trẻ em khuyết tật được chăm sóc toàn diện, được sử dụng các dịch vụ xã hội tại cộng đồng nhằm hỗ trợ và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật. Đề án cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể: 90% trẻ em khuyết tật được quản lý, theo dõi đánh giá nhu cầu. 90% trẻ em khuyết tật trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, đảm bảo quyền sống và quốc tịch, dinh dưỡng và phát triển; bảo vệ khỏi bạo lực, bốc lột; vui chơi giải trí; tham gia và pháp lý....
Theo đó, sẽ triển khai mô hình chăm sóc trẻ em khuyết tật: Triển khai thí điểm các mô hình dịch vụ trợ giúp trẻ em khuyết tật được chăm sóc toàn diện giúp trẻ khuyết tật phát triển tự lực hòa nhập cộng đồng; mô hình hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ em tại gia đình; mô hình dịch vụ phục hồi chức năng tại gia đình; mô hình dịch vụ chăm sóc thay thế; mô hình dịch vụ chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật; mô hình tư vấn phát hiện trẻ em khuyết tật do mắc bệnh hiếm; mô hình sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em tự kỷ tại cộng đồng và cơ sở tư vấn cho trẻ em tự kỷ.
Dự kiến, đề án sẽ được thực hiện trong cả nước từ năm 2017 – 2025.