Ngày 17/11, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ ký kết Công hàm trao đổi cho Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em” với sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.
Dự án do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) thông qua UNICEF Việt Nam, trị giá 5,7 triệu USD từ năm 2021 - 2026.
Mục tiêu của dự án là nhằm tăng cường năng lực thể chế để hỗ trợ các hoạt động lấy trẻ em làm trung tâm và nhạy cảm với khí hậu thông qua vận động, đề xuất cơ chế chính sách nhằm tiếp cận 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi tại Việt Nam.
Các đề xuất, kết quả của dự án được thiết kế để nâng cao năng lực tổng hợp và thích ứng ngành nhằm đáp ứng hiệu quả các nhu cầu của trẻ em, tập trung vào biến đổi khí hậu, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh.
Dự án cũng sẽ trang bị cho trẻ em, gia đình và cộng đồng những kiến thức, kỹ năng để ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai ở khu vực miền Trung và ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu. Dự kiến Dự án tăng cường khả năng chống chịu cho 20.000 người, bao gồm 9.000 trẻ em được cải thiện các dịch vụ về nước và vệ sinh; và 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng để có những can thiệp kịp thời vào năm 2025.
Theo báo cáo về Chỉ số rủi ro khí hậu của trẻ em do UNICEF công bố trong năm nay, tại Việt Nam, trẻ em và thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ cao nhất chịu tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sức khỏe, giáo dục và sự bảo vệ của các em. Thông qua dự án này, UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng, chống thiên tai cùng nỗ lực để đảm bảo trẻ em được phát triển trong một môi trường an toàn, xanh và sạch.
Trong đó, bao gồm việc đưa trẻ em trở thành trung tâm trong các chính sách về khí hậu và môi trường, khuyến khích sự tham gia của trẻ em, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và thiếu thốn của trẻ em, phù hợp với các cam kết quốc tế, đặc biệt là Thỏa thuận Paris, Khung Sendai và các mục tiêu phát triển bền vững.