Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Áp lực kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhiều trẻ em phải lao động sớm

LĐXH
LĐXH

(VTE) - Mặc dù pháp luật cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, nhưng nhiều em nhỏ phải gánh vác trách nhiệm gia đình, thậm chí phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm.

Trẻ em lao động kiếm sống: Thực trạng đáng lo ngại

Tại một số địa phương, tình trạng trẻ em bỏ học để lao động kiếm sống khá phổ biến. Các em làm nhiều công việc khác nhau, từ ăn xin, bán hàng, đánh giày đến phục vụ tại các quán ăn.

Áp lực kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhiều trẻ em phải lao động sớm - 1
Ở vùng sâu, vùng xa, do hoàn cảnh khó khăn và nhận thức còn hạn chế, nhiều gia đình cho con nghỉ học để đi làm kiếm tiền mưu sinh. Ảnh minh hoạ

Em Hà Văn Tùng (10 tuổi ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) ngày nào cũng thức dậy từ 4 giờ sáng để phụ bố mẹ bán cá. Vì nhà nghèo, bố mẹ lại ốm đau liên miên nên Tùng chỉ được học hết lớp 4, sau đó nghỉ học phụ giúp bố mẹ kiếm tiền. Mặc dù đã 13 tuổi nhưng nhìn Tùng gầy, xanh, nhỏ như một em bé 8-9 tuổi. 

Một trường hợp khác là em Cao Văn Hà (14 tuổi cùng ở Thanh Hóa) cũng phải lên rừng đào măng, đốn củi bán lấy tiền phụ mẹ nuôi em nhỏ ăn học. Hằng ngày, Hà tự đạp xe hơn 8km trên con đường hiểm trở để ra chợ bán những thứ kiếm được.

Tình trạng trẻ em lao động sớm không chỉ có tại các vùng quê mà ngay tại thành phố lớn cũng diễn ra khá phổ biến. Hình ảnh những em nhỏ lang thang đánh giày, bán hàng rong hay phục vụ bàn tại quán ăn, quán cà phê không còn xa lạ đối với người dân. 

Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tình trạng lao động trẻ em không chỉ ở các huyện miền núi mà tập trung tại các làng nghề ở các huyện như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương... Nhiều trẻ phải làm việc trong những ngành, nghề bị pháp luật cấm sử dụng lao động chưa thành niên và phải đối diện với nguy cơ bị lạm dụng sức lao động.

Một ví dụ điển hình là Nguyễn Nhật Minh (13 tuổi ở tỉnh Thanh Hóa). Mặc dù làm việc tại một xưởng giày dép với môi trường độc hại, nhưng Minh lại bị chủ sử dụng lao động trả mức lương thấp hơn các công nhân khác và em không có hợp đồng lao động do chưa đủ tuổi. 

“Dù công việc vất vả, độc hại, nhưng em không dám nghỉ, vì bây giờ xin việc rất khó. Vả lại, em chưa đủ tuổi lao động nên đi xin việc không công ty nào nhận. Em phải cố gắng làm việc để tự lo cho bản thân và phụ giúp mẹ nuôi em nhỏ đang đi học”, Minh tâm sự.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ nghỉ học theo bố mẹ tới các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… hay những địa điểm du lịch để lang thang kiếm sống. Không chỉ những trẻ em phải nghỉ học để lao động sớm mà có những trẻ mới biết đi, thậm chí trẻ khuyết tật cũng bị kẻ xấu lạm dụng, biến thành “công cụ” lợi dụng lòng thương của xã hội để bán hàng rong, ăn xin…

Phần lớn các em này đến từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.  

Gia đình và xã hội cần chung tay bảo vệ trẻ

Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần được gia đình và xã hội chung tay chăm sóc và bảo vệ.

Để bảo vệ trẻ em, giảm thiểu lao động trẻ em, ông Ngô Trọng Nghĩa, Viện trưởng Viện Chính sách và đầu tư (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh cần chú ý đến sinh hoạt hằng ngày và sớm trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết.

Mục đích của việc này là để các em nhận diện được những tình huống, nguy cơ, mối nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và biết cách tự bảo vệ mình. Trường hợp, vì hoàn cảnh khó khăn phải cho con em tham gia lao động sớm, cha mẹ cần hiểu rõ những quy định của pháp luật. Việc này rất cần thiết để bảo vệ con em mình không bị lạm dụng hay bóc lột sức lao động”.

Áp lực kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhiều trẻ em phải lao động sớm - 2
Gia đình và xã hội cần chung tay để trẻ em được vui chơi, học tập theo đúng độ tuổi. Ảnh: Trường Tiểu học Lĩnh Nam (Hà Nội)

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phổ cập các dịch vụ an sinh xã hội cho trẻ em, tạo công ăn việc làm cho người trưởng thành, để giảm bớt gánh nặng lên trẻ.

Cần tăng cường nhận thức về bình đẳng giới và xóa bỏ những quan niệm như trẻ em gái không cần học nhiều, chỉ nên ở nhà phụ giúp gia đình; tăng cường nguồn lực và ngân sách để phát triển, kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em các cấp; phát triển nông nghiệp, các dịch vụ công, phát triển cơ sở hạ tầng và sinh kế ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Ngô Trọng Nghĩa cũng cho rằng, gia đình và xã hội cần chung tay giúp các em hiểu rõ về vấn đề lao động trẻ em. Các em cần nắm rõ: Các công việc nguy hiểm gây hại cho trẻ em về mặt tinh thần, thể chất, xã hội, đạo đức hay nhân phẩm; lao động trẻ em cản trở việc học tập, buộc các em phải nghỉ học sớm hoặc phải kết hợp việc học với lao động nặng nhọc trong nhiều giờ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội, cho biết: “Lao động trẻ em gây ra rất nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài.

Gia đình và cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách cần tăng cường tuyên truyền đến các phụ huynh và trẻ em về những nguy hại của lao động trẻ em. Việc này giúp các em tránh khỏi môi trường làm việc nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe và tương lai học tập của mình”.

Phạm Tuấn 

Ấn phẩm Vì trẻ em số 20