Tình trạng cong vẹo cột sống thường được phát hiện ở tuổi dậy thì. Ước tính, có 2 - 3% trẻ em trong độ tuổi này có thể bị cong vẹo cột sống. Bệnh không gây nguy hiểm tức thì nhưng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Chị Hồng Minh (quận Long Biên, Hà Nội) gần đây nhận thấy dáng đi của con gái 11 tuổi có bất thường. Khi di chuyển, bàn chân trái của con có xu hướng xoay mũi chân vào trong. Lo lắng, vợ chồng chị Minh đã đưa con tới Bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra.
Tại đây, TS. BS Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, trục cột sống của bé bị vẹo nhẹ, bàn chân trái xoay vào trong và gót chân vẹo ra ngoài. Sau đó, bé được chuyển sang phòng vật lý trị liệu để các y bác sĩ hướng dẫn các bài tập kỹ thuật kéo dãn cột sống thắt lưng, kỹ thuật xoa bóp vùng và tập vận động có trợ giúp phục hồi chức năng.
Nhờ phát hiện sớm và áp dụng bài tập đều đặn, mức độ vẹo cột sống của con chị Minh đã cải thiện mà không cần đến phương pháp điều trị phức tạp hơn như mặc áo nẹp chỉnh hình hoặc thậm chí phẫu thuật.
Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống ở trẻ em
Theo ThS. BS. Đào Phú Khánh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường vốn có của nó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống, trong đó có đến 90% trường hợp bị cong vẹo cột sống không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học đã xác định được một số nguyên nhân gây cong vẹo cột sống như: do bệnh cơ, bệnh thần kinh, những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, loạn dưỡng xương, chấn thương…
Cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp chiều cao, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém, học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết hoặc học nghề); do các tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế); cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi…
Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể do trẻ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng kém do ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng, còi xương hoặc do ngồi, đi đứng quá sớm.
Nếu cha mẹ thấy cột sống của con có hình chữ C, S hoặc chữ C, S ngược, một bên xương bả vai cao hơn bên còn lại (hai vai không đều), hai bên hông không cân xứng… thì nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Những hệ lụy của cong vẹo cột sống
Dù cong vẹo cột sống không phải bệnh nguy hiểm, không gây tác hại nghiêm trọng tức thì, nhưng bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ trong tương lai.
Cong vẹo cột sống gây lệch trọng tâm cơ thể, làm trẻ ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết, căng thẳng thị giác và làm trí não kém tập trung, dẫn đến kết quả học tập có thể bị ảnh hưởng.
Cong vẹo cột sống cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi và sự phát triển của khung xương chậu (đặc biệt đối với trẻ em gái sẽ gây ảnh hưởng khả năng sinh sản khi trưởng thành). Trẻ em bị cong vẹo cột sống bước đi không cân đối, không đều, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sự tự tin.
Phòng, tránh cong vẹo cột sống cho trẻ
Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa:
Tư thế ngồi học đúng: Hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng, không gập người hay cúi quá gần bàn. Khi ngồi, hai bàn chân của trẻ đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ (dao động trong khoảng 75-105 độ), lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Khoảng cách từ mắt đến sách vở nên từ 25-30cm.
Sử dụng bàn ghế phù hợp: Cha mẹ nên chọn bàn ghế vừa với chiều cao của con, tránh để trẻ phải cúi hoặc nâng vai quá mức khi ngồi học.
Trẻ không nên ngồi học quá lâu, sau 30-45 phút nên đứng dậy đi lại để thư giãn gân cốt.
Đeo cặp sách đúng: Trẻ em nên sử dụng cặp sách đeo hai vai để tạo sự cân bằng. Khối lượng cặp sách không nên vượt quá 10-15% cân nặng của trẻ. Trẻ chỉ nên mang những thứ thật cần thiết và đặt những vật nặng ở phần sát lưng nhất để giảm áp lực lên cột sống.
Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên: Cha mẹ động viên trẻ tham gia các hoạt động thể chất như bơi lội, đạp xe, đi bộ, tập yoga... để giúp cột sống phát triển khỏe mạnh. Các bài tập phát triển cơ lưng và bụng cũng giúp tăng cường sức mạnh cho cột sống.
Kiểm soát cân nặng của trẻ: Trẻ cần được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D để hỗ trợ xương phát triển. Cha mẹ cần theo dõi chiều cao và cân nặng của trẻ thường xuyên; kiểm soát cân nặng của trẻ để tránh tình trạng thừa cân vì có thể gây áp lực lên cột sống.
Đưa trẻ đi khám định kỳ: Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường của cột sống hay xương khớp.
Minh Thư
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21