Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Bàn giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em

(Dân sinh) - Trong 2 ngày (3, 4/11), tại TP Cần Thơ, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ ngành LĐ-TB&XH 16 tỉnh phía Nam về Hướng dẫn lập kế hoạch và triển khai các can thiệp hiệu quả trong phòng chống đuối nước và phòng chống tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em.

Trên 50% số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích xảy ra tại gia đình

Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết: Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Tuy nhiên, trong số những vụ tai nạn thương tích xảy ra, có trên 50% số vụ trẻ bị tai nạn thương tích ngay trong chính gia đình và nhiều vụ tai nạn thương tích của trẻ có thể phòng tránh được.

Bàn giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em - Ảnh 1.

Ông Đặng Hoa Nam phát biểu tại lớp tập huấn.

Công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm trong thời gian qua. Để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Trong 5 năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức và sự chung tay của cộng đồng, công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã đạt những kết quả đáng trân trọng. Cả nước đã xây dựng được 5 triệu Ngôi nhà an toàn, 26.000 Trường học an toàn, 300 Cộng đồng an toàn, 90% trẻ biết quy định về an toàn giao thông; 40% trẻ em biết, được học kỹ năng bơi an toàn và an toàn trong môi trường nước. Đặc biệt, việc giảm số trẻ em bị tai nạn thương tích, tử vong do đuối nước giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tai nạn thương tích trẻ em vẫn là vấn đề mang tính toàn cầu. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 4.000 trẻ em bị tử vong do các nguyên nhân tai nạn thương tích khác nhau, trong đó đuối nước và tai nạn giao thông là các nguyên nhân tử vong hàng đầu. Mỗi năm, vẫn có 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Điều này ảnh hưởng tới quyền sống còn của trẻ em và cũng ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển bền vững được Việt Nam cam kết.

Bàn giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em - Ảnh 2.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ.

Ông Nam cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các tổ chức, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng thí điểm một số mô hình phòng chống tai nạn thương tích hiệu quả. Trong đó phải kể đến mô hình phòng chống đuối nước cho trẻ em do Bloomberg Philanthropies; Tổ chức Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu (GHAI) tại Việt Nam tài trợ triển khai từ năm 2018 tại 8 tỉnh, thành phố. Hay mô hình phòng, chống tai nạn giao thông do Honda Việt Nam tài trợ, hàng năm đều tổ chức phát tặng mũ bảo hiểm miễn phí cho tất cả học sinh lớp 1 trên cả nước; tổ chức các lớp tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông….

"Trách nhiệm bảo vệ tính mạng của trẻ em là quan trọng nhất và cần được chính quyền, cộng đồng và chính gia đình ưu tiên thực hiện. Để bảo vệ tính mạng trẻ em, cách tốt nhất, hiệu quả nhất là đầu tư phòng ngừa ngay từ đầu", ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho rằng, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, sau khi các mô hình phòng, chống tai nạn thương tích đã được triển khai tại các địa phương đạt hiệu quả cao và các địa phương phải có trách nhiệm triển khai, nhân rộng các mô hình đó để bảo vệ an toàn, tính mạng cho trẻ em. Các nhà tài trợ chỉ hỗ trợ 100% kinh phí trong giai đoạn triển khai mô hình điểm, sau đó, các địa phương, căn cứ điều kiện cụ thể để bố trí nguồn lực chi cho công tác bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em. Người đứng đầu các cơ quan phải chịu trách nhiệm về sự an toàn tính mạng của trẻ. Cùng với đó, tạo điều kiện để cộng đồng cùng tham gia bảo vệ trẻ em, xã hội hóa công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Đặc biệt, các gia đình cần nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

Bàn giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em - Ảnh 3.

Dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em do Bloomberg Philanthropies; Tổ chức Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu (GHAI) tại Việt Nam tài trợ dạy bơi cho trẻ em.

5 yếu tố để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đạt hiệu quả

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ cho biết, để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cần triển khai đồng bộ 5 yếu tố. Trước hết, cần xây dựng cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý để triển khai phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Cùng với đó, cần kiến tạo các sản an toàn cho trẻ em. Xây dựng môi trường sống loại bỏ các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn thương tích trẻ em. Cần nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, gồm cả nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cơ quan, nâng cao nhận thức cộng đồng và của gia đình về tầm quan trọng phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Cuối cùng, cần cung cấp các kiến thức sơ cấp cứu ban đầu để nếu trẻ tai nạn thương tích được kịp thời sơ cứu an toàn.

Đại diện cán bộ ngành LĐ-TB&XH tham gia lớp tập huấn được các chuyên gia giới thiệu về: Thực trạng tai nạn thương tích trẻ em tại Việt Nam và các giải pháp can thiệp; Nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH về công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và các văn bản chỉ đạo. Các giải pháp can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em của Tổ chức Y tế thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam. Hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước trẻ em tại gia đình và trẻ em dưới 5 tuổi. Hướng dẫn giám sát đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi. Giáo dục an toàn cho trẻ em trong môi trường nước và một số nguy cơ gặp phải khi trẻ ở trong môi trường nước và bảo đảm an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy, trong mùa mưa, bão, lũ. Giới thiệu kỹ năng cứu đuối và thực hành kỹ năng cứu đuối (trên cạn và gián tiếp). Thực hành kỹ năng cứu hộ từ trên bờ, kỹ năng tự cứu, kỹ năng sơ cấp cứu.

Cùng với đó, các chuyên gia cung cấp kiến thức về thực trạng tai nạn thương tích giao thông đường bộ ở trẻ em: Gánh nặng và giải pháp. Các nguy cơ gây tai nạn thương tích tại gia đình và cách phòng tránh. Chia sẻ và thảo luận về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và phòng chống đuối nước nói riêng, tập trung các nội dung: Công tác phối hợp liên ngành; Nhân lực và nguồn kinh phí bền vững; Chính sách và các quy định hiện hành; Truyền thông thay đổi hành vi; Các ưu tiên can thiệp trong thời gian tới. Hướng dẫn lập kế hoạch về Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em trong thời gian tới.