Thực hiện Chương trình Phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2012 - 2020, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức 11 cuộc hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho 1.160 lượt cán bộ, công chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em; tiếp nhận, hỗ trợ khẩn cấp 4 trường
hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực tại Trung tâm Bảo trợ xã hội để kết nối và thực hiện các dịch vụ để can thiệp trợ giúp trẻ em một cách tốt nhất. Ban hành Kế hoạch và hỗ trợ, can thiệp 220 trường hợp trẻ em bị xâm hại.
Triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng thí điểm mô hình câu lạc bộ phòng, chống xâm hại trẻ em, thành lập và tổ chức Lễ ra mắt Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại Phường 3, thị xã Ngã Năm. Thiết lập đường dây nóng số điện thoại 0299.3551.717 nhằm kết nối cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tiếp nhận và tư vấn hơn 430 cuộc gọi đến từ các gia đình và trẻ em, tư vấn trực tiếp cho 145 trẻ em có bị xâm hại; lập hồ sơ tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại. Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, giám định đối với tất cả trẻ em bị xâm hại; hỗ trợ 14 trẻ em được học nghề; hỗ trợ khẩn cấp và trợ giúp 50 trẻ bị tổn thương do bị xâm hại được phục hồi sức khỏe.
Nhìn chung, trong những năm qua số trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, từ 64 trẻ (năm 2015) xuống còn 45 trẻ (năm 2021). Nhận thức của cán bộ trong tiếp nhận, làm rõ, xử lý các vụ bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em được nâng lên, chấp hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện các mục tiêu chăm sóc, bảo vệ trẻ em đề ra.
Đồng chí Trần Thị Hoàng Mỹ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết: tính đến ngày 30/6/2022, tổng số trẻ em trong toàn tỉnh là 302.509 trẻ, chiếm 25,06% dân số, trong đó có 122.665 trẻ dưới 06 tuổi và 179.844 trẻ từ 06 đến dưới 16 tuổi. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 2.531 trẻ, chiếm 0,82% và số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 27.597 trẻ, chiếm 8,96%.
Theo đồng chí Trần Thị Hoàng Mỹ, hàng năm và nhất là vào Tháng hành động vì trẻ em (tháng 6), các cơ quan chức năng chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để trẻ em bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, Ban Thường vụ Tỉnh hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ.
Đồng thời, phối hợp với các điểm trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: nói chuyện chuyên đề, diễn tiểu phẩm, chiếu video phóng sự, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” về nguyên nhân, hậu quả trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại và cách phòng ngừa. Quan tâm tổ chức đối thoại chính sách giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành với hội viên phụ nữ về các chính sách hỗ trợ, can thiệp trẻ em khi bị xâm hại, bị bạo lực.
Đồng chí Mai Thị Hồng Thắm - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phước An A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết, trên địa bàn có thành lập Câu lạc bộ “Trẻ em niềm tin” với số lượng trên 30 em. Đối tượng vận động là con em hội viên phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với kinh nghiệm 30 năm làm công tác giảng dạy cấp tiểu học và nay với vai trò giám sát của câu lạc bộ, bà Thắm đã có những định hướng thiết thực cho sự phát triển của con trẻ. Ở câu lạc bộ, các em sẽ được trao đổi, trình bày, giải đáp những thắc mắc; được cung cấp kiến thức pháp luật, kiến thức về giới tính, kỹ năng phòng vệ; kết giao nhiều bạn bè; giao lưu văn nghệ, thể thao…
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng các nội dung liên quan đến hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước và phòng, chống xâm hại trẻ em. Riêng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức họp mặt, trao tặng hàng chục ngàn phần quà, nhiều chiếc xe đạp, nhiều suất học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Nguyên đán, tết Trung thu và Tháng hành động vì trẻ em.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngộ - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cù Lao Dung cho biết: “Công tác trẻ em trên địa bàn huyện Cù Lao Dung được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân huyện triển khai các kế hoạch của tỉnh, tổ chức các hoạt động chăm lo cho trẻ em đạt nhiều kết quả phấn khởi. Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dành cho trẻ em nhân các ngày lễ, Tết; chăm lo cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tốt. Các hoạt động này mang lại ý nghĩa thiết thực, được các bậc phụ huynh và xã hội đồng tình ủng hộ”.
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đến nay, tổng số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em là 85/109. Ngành tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động của Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” tại huyện Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu, qua đó đã góp phần giảm số lượng trẻ em bị tử vong do đuối nước. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp đề xuất nhu cầu dự án hỗ trợ an sinh xã hội, nước sạch về giáo dục và y tế cho trẻ em trên địa bàn tỉnh do Tổ chức VinaCapital Foundation tài trợ…
Bà Tăng Thị Thúy Nga - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hai cấp đã thụ lý 37 vụ liên quan đến việc xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em (Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 10 vụ) và tòa án quan tâm thực hiện bảo vệ trẻ em ngay từ các phiên tòa. Khi đó, tòa đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương.
Đối với những vụ án mà bị cáo hoặc bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, tòa án đã thực hiện nghiêm túc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Trong xét xử, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa làm rõ các tình tiết của vụ án và đảm bảo cả thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hóa; bảo vệ danh dự, phẩm giá của con người và không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của bị hại, đặc biệt là các trẻ em. Bên cạnh việc xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xác định sự thật, hội đồng xét xử còn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ về hậu quả cũng như những hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Đối với hình phạt về tội phạm này, cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, cuối tháng 7/2022, Tòa án nhân dân tỉnh vừa triển khai và thực hiện chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021 - 2025”, bà Thúy Nga nhấn mạnh.
Từ thực tế, trẻ em bị xâm hại tình dục thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng Trần Thị Hoàng Mỹ cho rằng, để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, gia đình cần quản lý con cái chặt chẽ hơn, nhất là vai trò và tầm quan trọng của người mẹ sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ các con từ các cạm bẫy xã hội. Chính vì vậy, Sở đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, kỹ năng cho các, huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với các điểm trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn.