Trong đợt Covid-19 bùng phát phải thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em buộc phải ở nhà học trực tuyến, các khoa sức khỏe tâm thần ở các bệnh viện, nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ tự tử bằng thuốc. Nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột này của các em là do bị gia đình trách mắng, bạn bè trêu chọc về thành tích học tập... Kể cả khi may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời, không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng tổn thương tâm lý sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các em.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ em điện thoại nhờ hỗ trợ, tư vấn về tâm lý. Đáng nói, trong tháng 3 vừa qua, Tổng đài 111 đã nhận được điện thoại của một em gái 14 tuổi ở Hà Nội từng là học sinh giỏi đứng đầu lớp, nhưng 3-4 tháng nay cảm thấy bị áp lực, mệt mỏi, không biết bản thân muốn gì, thường xuyên cáu giận với những người xung quanh và từng nghĩ đến chuyện tự sát. Bố mẹ em là giáo viên, chị gái học giỏi, do vậy, bố mẹ kỳ vọng em thi vào trường chuyên, nhưng em lo sợ sẽ bị trượt nên luôn cảm thấy bị áp lực, kết quả học tập giảm sút.
Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Công Hiệu cho biết, trong 3 tháng đầu năm có 164 ca tư vấn liên quan đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái do áp lực học hành. Trong hơn 3.100 ca tư vấn chuyên sâu của Tổng đài 111, số ca liên quan đến tự tử chiếm khoảng 5,3%. "Với chức năng, nhiệm vụ của Tổng đài 111, các chuyên gia đều lắng nghe tường tận các vụ việc được phản ánh, phân tích và xác định rõ mức độ nguy hại đối với trẻ em. Từ đó, có trao đổi kịp thời với gia đình để tìm ra phương án tốt nhất cho trẻ", ông Nguyễn Công Hiệu chia sẻ.
Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, từ tháng 6/2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận 491 lượt trẻ vị thành niên đến khám bệnh do liên quan đến vấn đề tâm lý. Trong đó, có 20 trẻ phải vào điều trị nội trú. Bên cạnh đó, số lượng các cuộc gọi đến đường dây nóng, số máy phòng khám của bệnh viện, các bác sĩ điều trị đề nghị được tư vấn về sức khỏe tâm thần cũng gia tăng. Đáng chú ý, 40-50% các cuộc gọi này là yêu cầu được hỗ trợ về tâm lý, sức khỏe tâm thần cho học sinh các cấp. Theo bác sĩ Trần Quyết Thắng, phụ huynh cần có nhận thức đúng về các rối loạn tâm thần của con trong cuộc sống hằng ngày. Nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần của con, hướng dẫn kỹ năng sống và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân lập Đinh Tiên Hoàng cho biết, các gia đình cần quan tâm chăm sóc con cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Hãy luôn quan tâm cởi mở với trẻ và đừng áp đặt hay kỳ vọng về con quá mức khiến trẻ bị áp lực tâm lý. Về phía nhà trường, cần thực hiện yêu cầu giáo dục theo xu hướng mới, phối hợp với gia đình rèn luyện cho trẻ có bản lĩnh, có ý thức vượt qua khó khăn, áp lực trong học hành, cuộc sống.
Còn Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) đưa ra lời khuyên, những mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội, hoặc áp lực học hành, yếu tố bạo lực gia đình, học đường nhưng không được chia sẻ, giải quyết khiến trẻ vị thành niên nghĩ đến "quyên sinh". Một trong những dấu hiệu rõ nhất của việc trẻ suy nghĩ, hành động tiêu cực đó là rối loạn giấc ngủ. Do vậy, phụ huynh cần quan sát con trẻ, lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách xử lý kịp thời.