Tình trạng thời tiết nắng mưa thất thường, thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm đột ngột chính là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại virus, vi khuẩn có hại phát triển.
Chúng gây một số bệnh, nhất là bệnh về hô hấp ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe của bé.
Việc hỗ trợ tăng sức đề kháng cho trẻ thời điểm thời tiết thay đổi thất thường sẽ giúp cơ thể trẻ có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh và giảm biến chứng, đặc biệt với trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn non yếu.
Làm sao để tăng sức đề kháng cho trẻ?
Tiêm phòng đầy đủ: Bố mẹ chú ý cho trẻ tiêm phòng đúng lịch và đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chủ động cho trẻ được tiêm ngừa cúm, đặc biệt ở nhóm tuổi trên 6 tháng vì bệnh cúm thường lây nhiễm qua đường hô hấp và hiệu quả của tiêm ngừa đạt 96%-97%.
Ngoài ra, trẻ được tiêm ngừa nếu mắc cúm có thể nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn trẻ không được tiêm ngừa.
Cho trẻ uống ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus, đặc biệt ở nhóm dưới 6 tháng và liều đầu tiên được uống vào thời điểm 2 tháng tuổi.
Dinh dưỡng khoa học: Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, cân đối các nhóm dưỡng chất, cần chú ý đến thành phần đạm và các vi chất. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có nhiều trong thịt bò, gà, cá, trứng và hải sản.
Ngoài ra, hình thành cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, trái cây, uống nước ép trái cây nhằm bổ sung vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các khoáng chất khác.
Ngoài ra, sử dụng thực phẩm được chế biến phù hợp, đảm bảo vệ sinh.
Cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài để tăng đề kháng tự nhiên: Vui chơi ngoài trời giúp trẻ được hưởng lợi từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ đó hấp thu được nhiều vitamin D.
Môi trường tự nhiên và không khí thoáng đãng, góp phần phát triển xương, hệ thống miễn dịch, hoạt động thể chất mạnh mẽ hơn và đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì.
Bổ sung men vi sinh: Vi khuẩn đường ruột giữ vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng và nó có thể bị ảnh hưởng bởi việc dùng kháng sinh.
Bởi vậy, sau mỗi đợt điều trị kháng sinh, các bác sĩ nhi khoa thường ưu tiên khuyến nghị bố mẹ cho trẻ dùng men vi sinh. Tuy nhiên, trước khi dùng, các bậc phụ huynh cần hỏi kiến bác sĩ để biết cách và thời gian sử dụng.
Thói quen sinh hoạt: Trang phục cho trẻ phải đảm bảo thoáng mát, hút mồ hôi khi thời tiết nóng, ngược lại luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, đặc biệt là vào ban đêm.
Nên duy trì nhiệt độ phòng trong khoảng 25-28 độ C, thông thoáng và tránh gió lùa.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá cũng như đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
Đặc biệt, bố mẹ cần đảm bảo rằng trẻ được ngủ đủ 9-12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi.
Thể dục phù hợp lứa tuổi: Khuyến khích bé tham gia hoạt động vui chơi, thể thao phù hợp độ tuổi. Vận động thường xuyên giúp trẻ phát triển thể chất, tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện chức năng tim mạch và phổi, từ đó nâng cao sức đề kháng.
Vệ sinh cá nhân: Hình thành thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ như cắt móng tay chân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày; tắm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ hàng ngày.
Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm.
Tập thói quen đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt là khi có các dấu hiệu mắc bệnh.
Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh: Hiện nay, khi thấy trẻ ốm, nhiều bậc cha mẹ hay mua thuốc cho trẻ uống mà không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Công dụng của thuốc kháng sinh là diệt vi khuẩn và không có tác dụng với virus trong khi đó hiện nhiều bệnh như cảm cúm đều do tác nhân virus gây ra.
Việc dùng thuốc kháng sinh bừa bãi, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc kháng sinh liều cao, phổ rộng dài ngày sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.
Ví dụ vi khuẩn bị kháng thuốc dẫn đến không đáp ứng điều trị hoặc phải đổi thuốc khác gây kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí, thuốc tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể….
Trẻ uống kháng sinh bừa bãi còn có thể bị tổn thương gan thận, loạn khuẩn đường ruột, suy giảm miễn dịch.
Những bệnh trẻ thường mắc khi thời tiết thất thường?
Cảm cúm: Cảm cúm là tình trạng dễ xuất hiện nhất khi thời tiết nắng mưa thất thường. Khi đó trẻ có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi và quấy khóc.
Nếu bố mẹ không biết cách xử lý khi con sổ mũi dạng lỏng kéo dài sẽ có nguy cơ đờm xuống cổ họng, gây viêm họng và nặng hơn là viêm phế quản.
Viêm đường hô hấp trên: Bệnh do virus gây ra với các biểu hiện thường gặp như sốt, đau họng kèm ho, chảy mũi nước và hắt xì hơi.
Tuy vậy, có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng kèm theo tình trạng quấy khóc, ngủ kém.
Các bệnh điển hình giúp phát hiện trẻ có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang và viêm mũi dị ứng.
Viêm tai giữa: Viêm tai giữa với những biểu hiện như đau, khó nghe, chảy dịch, sốt cao, thậm chí là buồn nôn.
Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ mắc viêm tai giữa có thể gặp phải các biến chứng rất nguy hiểm như mất thính lực, thủng màng nhĩ, áp xe màng não.
Sốt xuất huyết: Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền nhiễm. Khi trẻ mắc phải sẽ có các biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột và liên tục trong khoảng 2-4 ngày, có thể xuất hiện xuất huyết dưới da, ở niêm mạc miệng, nặng hơn là đi tiểu ra máu...
Đặc biệt trẻ mắc sốt xuất huyết có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, như là nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa, trụy tim mạch, xuất huyết não, hôn mê dẫn đến tử vong.
Sốt phát ban: Sốt phát ban thường gây ra do virus sởi hoặc virus Rubella. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và có biểu hiện: mệt mỏi, đau đầu, đau họng, sổ mũi, viêm kết mạc mắt, kích ứng niêm mạc vòm họng, có thể xuất hiện các chấm xuất huyết nhỏ.
Ở vị trí vùng cổ, sau hai bên tai của trẻ sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi lan nhanh ra toàn thân và chân tay. Trẻ bị sốt khi giao mùa, nổi ban đỏ khắp người, tập trung nhiều ở phần thân và tứ chi.
Để phòng tránh sốt phát ban cho trẻ, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng Sởi và Rubella theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Thủy đậu: Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Triệu chứng ban đầu của thủy đậu là sốt, đau đầu, nhức mỏi, sau đó bệnh nhân sẽ xuất hiện những nốt ban, phỏng nước.
Mụn có thể đóng vảy sau khoảng 2-3 ngày. Bố mẹ cần lưu ý đậu cũng có những biến chứng nguy hiểm cho trẻ như làm nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não.
Tiêu chảy cấp: Bệnh do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra; thường phát đột ngột và phần lớn trẻ mắc bệnh thường là sốt cao (38-40 độ C) và kèm theo các biểu hiện như sổ mũi, ngạt mũi, hắt hơi, ho và rát họng.
Ngoài ra, những biểu hiện điển hình như đi ngoài phân lỏng, nôn ói, đau bụng kèm tình trạng mất nước cho thấy việc trẻ mắc phải tiêu chảy cấp do bệnh đường ruột.
Theo WHO, hàng năm có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc bệnh cúm theo mùa, trong đó có 3-5 triệu trường hợp mắc bệnh nặng và 290.000-650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 289.066 trường hợp mắc cúm mùa; riêng 4 bệnh viện lớn tại TPHCM là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và 3 bệnh viện Nhi đồng đã tiếp nhận 238.000 ca bệnh hô hấp ở trẻ em là do sự thay đổi của thời tiết. |