Huy động nhiều nguồn lực tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Những năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em và bình đẳng giới luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ các giải pháp chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định an sinh xã hội của tỉnh. Ông Lê Minh Quốc Cường – GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho hay.
Ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp triển khai thực hiện các hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như tổ chức tháng hành động vì trẻ em nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình; tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình. Qua đó, tỉnh tổ chức hơn 900 lễ phát động tháng hành động vì trẻ em và ra quân chiến dịch truyền thông bảo vệ trẻ em; ngăn ngừa, phòng, chống trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị ngược đãi tại các xã, phường, thu hút khoảng 45.000 lượt người tham dự…
Từ năm 2012 đến nay, ngành LĐ-TB&XH duy trì và tổ chức sinh hoạt hàng trăm Câu lạc bộ (CLB) quyền tham gia của trẻ em, trẻ em với phòng chống tai nạn thương tích, CLB phòng chống HIV/AIDS. Mỗi CLB có khoảng 30 em sinh hoạt, đối tượng là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bán vé số. Việc duy trì sinh hoạt cũng như tiếp tục phát triển các CLB ở các xã, phường được người dân địa phương quan tâm hơn trong việc nuôi dạy, đối xử với trẻ mỗi ngày.
Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng xã hội làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Qua đó, nhằm thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em, nâng cao nhận thức cho người dân, tạo môi trường an toàn lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện.
Kịp thời trợ giúp những trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, trẻ em bị tai nạn thương tích; đồng thời xử lý những hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em; đưa trẻ em bị bỏ rơi vào trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh hoặc hướng dẫn cho gia đình nhận nuôi con nuôi.
Ban điều hành, nhóm công tác liên ngành bảo vệ trẻ em cấp huyện, Ban kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp xã duy trì họp giao ban theo định kỳ đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các khó khăn để có các biện pháp, hình thức hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
Do tình hình dịch bệnh Covid - 19, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tỉnh không tổ chức lễ phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2020 và tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chiến dịch truyền thông; đăng tin bài trên báo Bình Dương, Đài phát thanh truyền hình Bình Dương, Đài truyền thanh cấp huyện, xã, băng rôn, Ban-ner tuyên truyền trên các tuyến đường tỉnh, huyện, xã cũng như truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, thực hiện việc bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại, đặc biệt bị xâm hại tình dục, tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước, do tai nạn giao thông... góp phần thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em theo luật định.
Quan tâm đến trẻ yếu thế
Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH cho biết: Đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích đều được Sở chỉ đạo và phối hợp với phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, phối hợp với các ngành, đoàn thể tại địa phương xuống trực tiếp gia đình các em để động viên, thăm hỏi và hỗ trợ tiền, những em bị xâm hại đã được đội ngũ cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) thường xuyên tới gia đình để tư vấn cho trẻ em và cha mẹ của các em nhằm giúp các em nhanh chóng phục hồi sức khỏe và ổn định tâm lý để tiếp tục đến trường. Đối với các đối tượng có hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em đều đã được các ngành chức năng xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổ chức đoàn đi thăm và tặng quà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Tết Nguyên đán. Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế thiếu nhi 1/6 , tỉnh giao kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thăm tặng quà cho 2.800 trẻ em với tổng kinh phí là 560 triệu đồng cho đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong toàn tỉnh. Riêng chương trình "Ngày hội thiếu nhi 1/6" trao tặng 850 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em khiếm thị ở thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo, huyện Dầu Tiếng và Tỉnh Hội Người mù.
Đồng thời, Sở Đ-TB&XH chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách để hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp hè, theo kế hoạch năm 2020 dự kiến sẽ hỗ trợ cho 1.100 em được học bơi miễn phí. In tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em. Tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội các cấp thực hiện việc rà soát cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi tổng cộng là 134.699 thẻ.
Triển khai và hướng dẫn xét cấp học bổng cấp tỉnh năm học 2019 - 2020 cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn.
Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" được các nhà trường và học sinh hưởng ứng tích cực; xây dựng nhiều lớp học thân thiện, phòng học thân thiện, thầy cô thân thiện, môn học thân thiện, bạn bè thân thiện.
Nhà trường luôn chú trọng xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp, môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; giáo dục ý thức rèn luyện và bảo vệ sức khỏe; chú trọng công tác rèn luyện kỹ năng sống; kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước và tai nạn thương tích khác cho trẻ em..., tạo mối quan hệ phối hợp giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các trường học đều thực hiện biện pháp phòng chống dịch như tổ chức học trực tuyến, giản cách lớp học, đo thân nhiệt hàng ngày, rửa tay sát khẩn,...
Duy trì hoạt động thường xuyên của Ban điều hành Nhóm công tác liên ngành các huyện, thị xã, thành phố nhằm chuyển tuyến và thực hiện các dịch vụ bảo vệ trẻ em như: tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc y tế, can thiệp để trẻ được đến trường, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, các dịch vụ liên quan đến chính sách, phúc lợi xã hội, chuyển tuyến giúp trẻ được tiếp cận với các cơ sở điều trị, tư vấn điều trị, cơ sở nuôi dưỡng, dạy nghề hoặc gia đình chăm sóc thay thế.
Duy trì hoạt động của Ban kết nối dịch vụ Bảo vệ trẻ em cấp xã theo Quy chế hoạt động của Ủy ban nhân dân tại 43 xã, phường điểm thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố. Có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên tham gia theo từng địa bàn khu, ấp với mục đích kết nối dịch vụ từ cộng đồng đến các tuyến chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu và tăng cường khả năng tiếp cận của trẻ em, gia đình có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các dịch vụ về bảo vệ chăm sóc trẻ em…
Năm 2020 tiếp tục duy trì hoạt động của 118 Câu lạc bộ "Bảo vệ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng" tại các khu, ấp của các huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động bảo vệ trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: hoạt động trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật; hoạt động phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; hoạt động phòng ngừa trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực; hoạt động phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật.