Trẻ bị bạo lực gia đình sẽ bị ảnh hưởng lâu dài
Đối với mỗi người, nhà là tổ ấm, là nơi an toàn và tràn ngập yêu thương. Thế nhưng, với những mái nhà có bạo lực gia đình, nhà trở thành “địa ngục” với các nạn nhân. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, việc sửa đổi Luật PCBLGĐ lúc này là vô cùng hợp lý và kịp lúc. Các tổ chức thành viên của Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em, các tổ chức tha thiết kiến nghị Ban dự thảo Luật quan tâm tới tiếng nói của trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng và có thể là nạn nhân của bạo lực gia đình, chứng kiến bạo lực gia đình nhưng dễ bị yếu thế và quên lãng, trong đó có cả trẻ em khuyết tật, trẻ LGBT,... càng thêm yếu thế.
“Các em cần được quan tâm, tôn trọng, ưu tiên trong dự thảo Luật. Bởi bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thể chất, tinh thần và sự hát triển của trẻ. Sau khi lớn lên, cũng có thể ảnh hưởng tới gia đình tương lai của các em. Trong khi đó, nếu trẻ em được bảo vệ an toàn và được lên tiếng, chính các em là tác nhân của sự thay đổi và khiến Luật phòng, chống bạo lực gia đình được thực thi hiệu quả, triệt để", bà Linh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thu Hà, Đại diện Hội bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam nhấn mạnh: “Ở nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên Luật PCBLGĐ năm 2007 chỉ đề cập tới vấn đề bảo vệ nạn nhân của BLGĐ nói chung chứ chưa tập trung cụ thể vào trẻ em. Các tổ chức xã hội hiện nay có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế, trong đó có trẻ em.
Tuy nhiên vai trò của các tổ chức xã hội vẫn chưa được đề cập trong các văn bản, chính sách. Dự thảo luật mới cần bổ sung và nâng cao vai trò truyền thông, nâng cao nhận thức và hỗ trợ nạn nhân của các tổ chức xã hội.”
Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) cho rằng, trẻ em khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung có nguy cơ bị bạo lực bởi người thân trong gia đình cao hơn người không khuyết tật.
Vì thế, Luật cần bổ sung các chính sách cụ thể đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ, bảo vệ các đối tượng yếu thế là người bị BLGĐ, quy định những điều kiện đảm bảo đặc thù trong thông tin, giáo dục, truyền thông và tư vấn về BLGĐ đối với một số đối tượng ưu tiên, cũng như hỗ trợ đặc biệt cho những người khuyết tật là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Các hành vi trừng phạt thể chất tinh thần chính là bạo lực
Đại diện Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em, bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý dự án Viện MSD chia sẻ khuyến nghị chung của mạng lưới. Đó là cần giải thích thêm khái niệm “trừng phạt thể chất tinh thần trẻ em” là bạo lực gia đình do có nhiều cha mẹ vẫn nhầm lẫn đây là hành vi có thể chấp nhận để giáo dục, dạy bảo con trong gia đình.
Dự thảo Luật cần quy định cụ thể và đầy đủ hơn các loại hành vi BLGĐ, bao gồm cả các hành vi trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các hành vi vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình. “Dự thảo Luật cần có đường dây nóng và các ứng dụng công nghệ thông tin để các gia đình, nạn nhân có thể dễ dàng tiếp cận.
Tuy nhiên, mạng CRG không tán thành việc tích hợp vào Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 vốn là Tổng đài dành riêng cho việc bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn giáo dục trẻ em. Nếu tích hợp vào Tổng đài có thể dễ có sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và dễ dẫn đến rủi ro trẻ em tiếp tục không được ưu tiên, để ý, dễ bị quên lãng khi nói tới vấn đề bạo lực gia đình”, bà Hải Anh nhấn mạnh.
Để thu thập thêm ý kiến của trẻ em về dự thảo Luật PCBLGĐ, MSD đã thực hiện khảo sát với gần 5.500 trẻ em và thực hiện thảo luận sâu với các nhóm trẻ em tại các tỉnh, thành phố.
Dưới góc nhìn của trẻ, các hành vi trừng phạt thể chất tinh thần chính là bạo lực. Những “ông bà, bố mẹ hay áp dụng các biện pháp phạt khiến trẻ cảm thấy đau đớn, sợ hãi, tổn thương” được trẻ lựa chọn là nhóm đối tượng có nguy cơ gây ra BLGĐ cao thứ hai (66,9% số trẻ lựa chọn), chỉ sau nhóm “người nghiện rượu, bia, ma tuý và các chất gây nghiện khác” (76,5% số trẻ lựa chọn)”.
Trở ngại lớn nhất mà trẻ cho rằng mình có thể gặp phải khi báo tin hoặc tìm kiếm sự trợ giúp là “Em không biết là mọi người có tin những điều mình nói hay không và có giúp mình không?” (59%). Trở ngại lớn thứ hai đối với trẻ là trẻ “Không biết ai, cơ quan nào có thể giúp đỡ những người bị bạo lực để liên hệ” (52%).”