Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng giáo dục
Công nghệ bùng nổ đã đẩy nhanh tiến trình giáo dục tại Việt Nam với nhiều phương pháp giảng dạy mới kết hợp với máy chiếu, bảng điện tử, lắp đặt tại các phòng học.
Nhờ có công nghệ, các nội dung kiến thức ngày càng được truyền tải dưới nhiều hình thức sáng tạo. Tiếp cận kiến thức thông qua tranh ảnh, hoạt hình, sơ đồ tư duy, công nghệ thực tế ảo mô phỏng… giúp kích thích đồng loạt đa trí thông minh của học sinh.
Theo các chuyên gia, trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng giúp thay đổi cách giảng dạy và học tập. Giáo viên ngày nay có thể sử dụng thông tin và dữ liệu từ AI để tùy chỉnh phương pháp giảng dạy theo nhu cầu riêng của từng học sinh.
Thay vì dạy một chương trình duy nhất cho tất cả, thầy cô có thể sử dụng AI để tăng cường dạy kèm bổ sung, dùng Chatbot trò chuyện để trả lời câu hỏi, cung cấp nhiều loại tài liệu, phục vụ cho nhu cầu cụ thể của từng học sinh.
Chuyển đổi số trong giáo dục hiện được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong quản lý, ứng dụng công nghệ trong lớp học.
Hiện nay, đã có nhiều trường học trên toàn quốc thực hiện tốt việc đưa AI vào giảng dạy ở các câu lạc bộ Khoa học, Tin học, Robotic, STEAM (học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và thực tế ảo (VR)...
Nhiều giáo viên đã ứng dụng AI vào tiết dạy trên lớp, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, làm báo cáo, diễn văn khai giảng, bế giảng năm học. Điều này tạo ra môi trường học tập sáng tạo và hiệu quả, giúp học sinh phát triển toàn diện và sẵn sàng tham gia vào thế giới số.
Chia sẻ về thực trạng sử dụng công nghệ trong lớp học, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: “Hơn 70% học sinh phổ thông cho rằng các ứng dụng công nghệ rất có lợi cho việc học của các em. Hơn 95% giáo viên tin rằng việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy giúp cải thiện kết quả và thành tích học tập của học sinh, tăng sự hứng thú và động lực, đồng thời thúc đẩy tính tự chủ trong học tập của các em”.
Việc ứng dụng công nghệ trong dạy học mang lại nhiều lợi ích thiết thực
Qua các ứng dụng trong giáo dục có sử dụng AI, học sinh cảm thấy việc học trở nên thú vị hơn.
Các ứng dụng sử dụng AI có thể tổng hợp toàn bộ nội dung trong sách giáo khoa thành các bài giảng với nhiều hình thức sinh động như video, âm thanh, trực tuyến rất cuốn hút, giúp học sinh dễ hiểu và dễ tiếp nhận hơn.
Qua đó, các môn thường bị "gắn mác" nhàm chán và khô khan như toán, vật lý, lịch sử... học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu, xử lý và ghi nhớ thông tin. Các em học sinh cũng thấy việc tự học hấp dẫn và thú vị.
Tại Nam Định, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị tiêu biểu sử dụng ChatGPT để soạn bài giảng và thiết kế các nhiệm vụ tăng sức hấp dẫn cho bài giảng. Nhờ khả năng phân tích dữ liệu và tự động hóa quy trình, các giáo viên đã tạo ra những bài giảng chất lượng, phù hợp với từng học sinh, tăng sự hấp dẫn và hiệu quả của quá trình học tập.
Giáo viên dùng ChatGPT để tạo ra các nhiệm vụ đa dạng và phong phú như: Tạo các trò chơi liên quan đến nội dung bài giảng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên, vui vẻ; Tạo các hoạt động nhóm phù hợp với nội dung bài giảng và mục tiêu học tập;
Tạo các dự án phù hợp với nội dung bài giảng và khuyến khích tinh thần nghiên cứu và sáng tạo của học sinh; Tạo các bài tập giúp học sinh củng cố kiến thức và kỹ năng đã học. Đồng thời, sử dụng ChatGPT để soạn bài giảng cũng giúp nâng cao khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic của học sinh, từ đó tạo ra một môi trường học tập đa chiều và phát triển.
Thời gian qua, trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã đưa công nghệ thực tế ảo vào các giáo án bài giảng, tạo cho học sinh có những trải nghiệm học tập mới mẻ, sinh động. Trong giờ học Lịch sử của lớp 11A1, học sinh đóng vai trò trung tâm khi được thể hiện sự sáng tạo trong quá trình xây dựng video liên quan đến bài học.
Từ việc lên ý tưởng, chọn hình ảnh, viết lời bình, thuyết minh, âm nhạc, dựng phim,… các em tự thực hiện thông qua AI để trình bày những kiến thức lịch sử mà mình biết. Cách làm này giúp học sinh hào hứng với môn học và các bài học lịch sử trở nên dễ nhớ, dễ hiểu.
Giờ học môn Ngữ Văn của cô và trò Trường THCS Lê Lợi (TP Thanh Hóa) trở nên sôi động thông qua giáo trình kỹ thuật số được trình chiếu trên màn hình tương tác thông minh. Giáo trình bao gồm cả video âm thanh, hình ảnh… với góc nhìn 360 độ, thông qua các công cụ hỗ trợ khác như: camera, phần mềm mô phỏng thực hành thí nghiệm ảo 3D đã khiến giờ học Ngữ văn trở nên độc đáo, tạo hứng thú cho học sinh khi theo dõi nội dung bài giảng.
Cô giáo Nguyễn Thị Cúc, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Lê Lợi, cho biết: "Ứng dụng công nghệ thông tin đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực. Giáo viên vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em đến với giờ học đầy hứng thú, tăng kỹ năng tương tác đa chiều, phát huy năng lực của học sinh".
Em Phạm Hà My, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Lê Lợi, hào hứng chia sẻ: "Em rất hứng thú với những giờ học như thế này. Các video, clip mà cô giáo sử dụng đã giúp chúng em có nhiều trải nghiệm thú vị trong bài học, mở rộng kiến thức hiểu biết, nắm vững kiến thức để bài học sâu hơn".
Kim Liên
Ấn phẩm Vì trẻ em số 17