Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Cân nhắc khi cho con tham gia các lớp kỹ năng sống

Ngay từ khi năm học chưa kết thúc, các phụ huynh đã được trung tâm đào tạo kỹ năng sống, nhân viên tư vấn mời chào đăng ký cho con tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng sống, Học kỳ quân đội, công an, Trại tiếng Anh... Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng và sự thay đổi tích cực sau khóa học, có không ít “hạt sạn” cần loại bỏ để đảm bảo an toàn cho các em nhỏ khi tham gia khóa học.

 

Nhiều chương trình đào tạo kỹ năng sống

Khi chuẩn bị kết thúc năm học, chị Nguyễn Thanh Vân (Tây Hồ, Hà Nội) nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên tư vấn của một trung tâm đào tạo kỹ năng sống tại Hà Nội. Nhân viên tư vấn tiếp thị cho chị các khóa học kỹ năng, lớp năng khiếu hè dành cho trẻ như: Cờ vua, cờ tướng, tài năng nhí, lớp học làm MC, ca hát, nhảy múa…; các kỹ năng sống như: Giáo dục kĩ năng phòng chống xâm hại trẻ em, thoát hiểm nhà cao tầng, giải tỏa áp lực...; các khóa học tâm lý giúp trẻ tìm thấy động lực chủ động học tập, biết yêu thương, chịu trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết giá trị của lao động… Đặc biệt, tham gia các khóa học này, các em được tham gia nhiều trò chơi tập thể vui nhộn, đặc biệt, các em không bị gò bó quá mức, vẫn được gọi điện thoại về nhà nên hầu hết các em đều rất hào hứng.

Trẻ em học các kỹ năng sống cơ bản.

 

Chi phí trọn gói cho mỗi khóa học từ 4 - 7 ngày, khoảng 2,5 đến 7 triệu đồng/học sinh. Theo tìm hiểu, cho con tham gia các khóa học trải nghiệm hè đang được nhiều gia đình trẻ chọn lựa. Tuy nhiên những khóa vừa dạy kỹ năng vừa ôn tập hè và tổ chức bán trú luôn “đắt hàng” hơn. Các trung tâm kỹ năng cũng giới thiệu những chương trình hấp dẫn, với mức phí khá cao từ 18 - 20 triệu đồng/khóa (8 - 9 tuần).

Hè năm nay, thay vì cho con về quê với ông bà, chị Phạm Thanh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định đăng ký cho con tham gia Học kỳ quân đội 10 ngày.

Chị Hòa được giới thiệu, khi cho con tham gia Học kỳ quân đội sẽ mang đến cho trẻ những trải nghiệm thực tế khi rời xa sự chăm sóc của cha mẹ. Trẻ sẽ học được cách tự chăm sóc cũng như xử lý các tình huống bất ngờ. Đồng thời, trẻ sẽ gặp gỡ nhiều bạn bè. Chính vì tính chất của khóa học quân đội, trẻ sẽ được học cách đoàn kết và giúp đỡ bạn bè. Đây cũng sẽ giúp trẻ trở nên tự tin trong giao tiếp, xây dựng sự thân thiện và hòa đồng ở trẻ.

Đặc biệt, các bé sẽ được rèn luyện với kỷ luật quân đội, tinh thần đồng đội. Trẻ cũng sẽ được huấn luyện qua những buổi nói chuyện chuyên đề về các kỹ năng sống cần thiết. Trong môi trường học tập này, trẻ sẽ có cơ hội bộc lộ mình nhiều hơn khi hòa vào tập thể và dần nhận thức được điểm mạnh, yếu của bản thân.

Học kỳ quân đội, Trại hè vui vẻ "Live in Farm" (Sống trong nông trại) tạo ra không gian để các em nhỏ được tiếp xúc với những điều giản dị trong cuộc sống. 6 ngày trải nghiệm tại trại hè, các em nhỏ được cách ly với các thiết bị công nghệ, xa rời game online, được rèn luyện sức khỏe theo tác phong quân đội và được sống với các kỹ năng tuổi thơ theo đúng nghĩa. Các em được tự tay gieo hạt, ươm mầm, học cách làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu về cây trồng, vật nuôi và tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy dây, thả diều. Trong không gian đậm chất thôn dã và thiên nhiên của trại hè "Live in Farm", các em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích cũng như được trang bị thêm các kỹ năng sống.

Những “hạt sạn” cần loại bỏ

10 ngày, quãng thời gian không dài để làm quen và tiếp cận với môi trường quân đội, rèn luyện tinh thần kỷ luật, tính tự lập, kiên định để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống nhiều em nhỏ đã thay đổi. Đón các em về, nhiều phụ huynh học sinh ngạc nhiên bởi vì các em đã có những thay đổi như tinh thần tự lực; ý thức sinh hoạt tập thể;­ tạo được thói quen tự lập; được trải nghiệm kỷ cương kỷ luật quân đội; được tập huấn nâng cao một số kỹ năng sống, kỹ năng vượt khó và hơn thế nữa, qua những lá thư, những lời tâm sự, các em đã biết quý trọng hơn những tình cảm của bố mẹ, người thân dành cho mình; biết chia sẻ và chững chạc hơn trong suy nghĩ, lời nói và hành động...

Việc cho trẻ em sớm làm quen với súng khiến nhiều ngươi không đồng tình.

 

Chị Phan Thúy Hằng (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: “Kết thúc khóa Học kỳ quân đội, cậu con trai 10 tuổi của chị trở về và có nhiều thay đổi. Dù đang nghỉ hè nhưng buổi sáng con không ngủ nướng mà dậy đúng giờ. Đến bữa ăn, cháu biết phụ giúp mẹ nhặt rau hay rửa bát. Những việc làm rất đơn giản và nhỏ thôi nhưng từ trước đến nay mẹ có dạy nhưng không chịu làm, nay lại hoàn toàn tự giác”.

Tuy nhiên cũng có không ít bạn trở về từ khóa huấn luyện mang theo những tật xấu học được từ bạn bè. Đó là trường hợp của Hoàng An (11 tuổi, Hà Nội). Trở về nhà sau Kỳ học quân đội, An ăn rất nhanh, ăn miếng to, nhai nhồm nhoàm, ăn rơi vãi thức ăn khắp bàn vì quen ở nơi huấn luyện phải ăn thật nhanh còn ăn chậm xong sau sẽ phải rửa bát. Chưa hết, thỉnh thoảng cô bé còn văng tục, nói bậy vì “quen miệng nói với bạn”.

Mới đây, một bà mẹ có cậu con trai 7 tuổi tham gia Học kỳ công an đã phải nghẹn ngào chia sẻ về việc con bị những bạn lớn xâm hại. Câu chuyện càng bị đẩy đi xa khi giữa phụ huynh và đại diện Trung tâm tổ chức khóa học không có được tiếng nói chung.

Theo lời kể của mẹ cháu bé thì chưa kịp học được gì từ khóa học thì cậu bé đã phải chịu một cú sốc. Chuyện tưởng như không thể tin nổi, khi cậu đang ngủ, một cậu khác lớn hơn (học lớp 6) cũng tham gia khóa học này đã tụt quần, dí bộ phận sinh dục vào mồm của bé. Đã có một vài bạn cùng phòng nhìn thấy cảnh tượng ấy. Và cậu bé xấu hổ, bị bạn bè chế giễu, một đứa trẻ 7 tuổi chỉ có cách mách với các anh, chị phụ trách và câu chuyện đã lên đến tận Ban Giám đốc trung tâm nơi tổ chức sự kiện này. Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm không những không bảo vệ nạn nhân lại một mực cho rằng cậu bé 7 tuổi vu khống, bịa đặt. Khi khóa học kết thúc, cậu bé uất ức kể lại câu chuyện với mẹ và người mẹ đã liên lạc với cả Giám đốc và Phó Giám đốc của Trung tâm tổ chức khoá học. Họ vẫn cho rằng cháu bé đã bịa đặt câu chuyện trên. Thực tế, mẹ cậu bé không yêu cầu bồi thường mà chỉ muốn trung tâm thừa nhận sự việc, có sự tắc trách trong việc quản lý, không giám sát và ngăn chặn hay điều chỉnh hành vi của cậu bé lớp 6, cũng như đã sai khi không xin lỗi gia đình.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Chuyên gia cao cấp bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, trước đây, ông cũng đã từng nghe thông tin 1 học viên trẻ em bị xâm hại khi tham gia khóa học kỹ năng sống tại 1 tỉnh ở phía Nam. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An: “Những em bé này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về tinh thần và tâm lý mà chúng ta chưa thể đong đếm. Bản thân cháu bé rất cần trợ giúp tư vấn hoặc trị liệu về tâm lý trước khi quá muộn”.

Ông An cũng cho rằng, đáng lo ngại nhất là hiện các trung tâm đào tạo kỹ năng sống cho trẻ tự phát, trá hình chỉ do quảng cáo mà quên việc giám sát chất lượng chuyên môn và đảm bảo sự an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần của học viên. Được biết, các khóa Học kỳ quân đội, Học kỳ công an đều do hệ thống Đoàn TNCS HCM, Bộ chỉ huy quân sự, Công an tổ chức và quản lý, do vậy có sự kiểm duyệt chặt chẽ. Tuy nhiên xét cho cùng, đây cũng là một loại hình dịch vụ xã hội dạy kỹ năng sống có thu phí, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. “Mong rằng tại các địa bàn có các trung tâm đang hoạt động phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu từ khâu xét duyệt cấp phép đến việc giám sát trong quá trình hoạt động, phải đặt tiêu chí an toàn cho trẻ em lên hàng đầu. An toàn ở đây phải bao gồm cả an toàn về thể chất và tinh thần của trẻ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi, động tác, lời lẽ... gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ bạo hành và xâm hại trẻ”, ông An nhấn mạnh.

Một tranh cãi nữa gần đây là việc các em nhỏ tham gia khóa Học kỳ quân đội được làm quen với súng đạn khi mà độ tuổi tham gia của các em khá nhỏ, từ 8 tuổi.

Chị Đào Minh Anh (Long Biên, Hà Nội) cho rằng: “Việc cho trẻ sớm làm quen với súng đạn là không nên. Ngay cả súng nhựa bắn nước cũng cho là đồ chơi nguy hiểm, bạo lực bị cấm”.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ, Học kỳ trong quân đội là mô hình giáo dục lấy kỷ cương quân đội làm môi trường quân ngũ để rèn luyện thanh thiếu niên. Mô hình này ra đời ở Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dựa trên nghiên cứu phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em nên quy định trẻ phải từ 11 tuổi  trở lên mới được ghi danh. Khi về Việt Nam, chương trình học được cải biên, giảm bớt thiết chế kỷ luật sắt của quân đội, bổ sung học 1 số kỹ năng cho phù hợp với văn hóa và điều kiện của Việt Nam.

“Trường hợp trẻ mới có 9 tuổi tham gia Học kỳ quân đội là quá sớm, các em còn quá nhỏ bị cách ly cha mẹ, gia đình và cộng đồng và phải tiếp xúc với súng đạn là không nên, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng về tâm lý và hành vi bạo lực”, ông An nhấn mạnh.

Gia đình là nền tảng để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học, tâm lý giáo dục Việt Nam cũng nhấn mạnh, mỗi bậc cha mẹ khi lựa chọn khóa học hè cho con, ngoài việc đưa ra định hướng thì cần quan tâm tới sở thích và khả năng của con. Đặc biệt không nên áp đặt con phải học các khóa học do bố mẹ lựa chọn. Khi cho con tham gia bất kỳ khóa đào tạo kỹ năng sống nào, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về đơn vị đứng ra tổ chức nhằm tránh mất tiền oan cho những khóa học phô trương bên ngoài, thu tiền giá cao nhưng lại chỉ là một kiểu trông giữ trẻ đơn thuần hay có những phương pháp giáo dục phản khoa học.

Các chuyên gia giáo dục khuyến cáo, trẻ càng nhỏ thì vai trò giáo dục của gia đình rất quan trọng. Những sinh hoạt hàng ngày, sự tham gia và hướng dẫn của cha mẹ có vai trò quyết định trong hình thành kỹ năng sống cho con. Nhà trường hay các tổ chức giáo dục kỹ năng sống chỉ có thể hỗ trợ rèn kỹ năng chứ không thể đóng vai trò quyết định.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, các bậc cha mẹ hiểu được rằng, vai trò giáo dục gia đình đối với trẻ em là quan trọng nhất, các loại hình giáo dục khác chỉ là hỗ trợ. “Thật buồn khi nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng cho con tham gia vào 1 “Học kỳ quân đội”, hay một khóa “Tu ở chùa” học thiền… là con sẽ có kỷ luật, có tình thương cha mẹ, tình yêu đất nước… Rất nhầm lẫn và ảo tưởng!”, bác sĩ An nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An đưa ra lời khuyên: “Trước mắt, các gia đình hãy khuyến khích các con tham gia các hoạt động vui chơi cộng đồng hoặc các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ do các anh chị đoàn viên, Hội đồng đội phụ trách tại địa phương tổ chức. Nếu các bậc cha mẹ có điều kiện nên dạy cho con các kỹ năng an toàn trong gia đình và khi tham gia giao thông, cách ứng xử trong gia đình, quan hệ họ hàng. Trong mùa hè này có thể cho con tham gia các khóa học bơi, bóng đá, bóng bàn, khéo tay nặn tượng, kỹ năng tự vệ hoặc các lớp năng khiếu như hội họa, múa hát, đàn...”.

Có thể nói, việc đưa con tới các trung tâm đào tạo kỹ năng học tập một cách tràn lan khi chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, năng lực giáo viên còn hạn chế do chưa được đào tạo bài bản, mà chủ yếu dạy bằng kinh nghiệm, chắc chắn sẽ kéo theo hậu quả mỗi nơi dạy một kiểu.

Kỹ năng sống của các em còn phụ thuộc rất lớn vào gia đình. Nếu bố mẹ không gương mẫu thì học sinh không tiến bộ được. Bản thân gia đình phải có hành vi chuẩn mực và cha mẹ, người thân phải luyện tập đồng hành với con, nếu không đồng hành thì không thể chia sẻ, nói chuyện. Gia đình cân đối giữa vui chơi, trẻ em là phải có vui chơi, không thể lúc nào cũng học. Tất cả các kỹ năng sẽ giúp các em học tập tốt hơn, thậm chí là kỹ năng học được khi vui chơi, lao động.

Đa phần các bố mẹ quá bận nên nhiều gia đình thiếu vắng những hoạt động chung hàng ngày như: Nấu ăn, dọn nhà, đi dạo... Chính những lúc “cùng nhau” này bố mẹ dạy cho con rất nhiều về giá trị sống và kỹ năng thực hiện những hoạt động sống từ kho kiến thức của người lớn. Lao động hợp lý theo lứa tuổi là biết tự phục vụ bản thân, phục vụ cộng đồng, mà cộng đồng nhỏ nhất chính là mỗi gia đình. Nhiều bố mẹ đã tước đi cơ hội phục vụ gia đình của các con, cho rằng chỉ có học và luôn ưu tiên hơn cả việc học.

Có thể thấy, kỹ năng sống chỉ được tạo nên bằng cả một quá trình giáo dục, trải nghiệm. Không thể tham gia vài ba khóa học trong vài ngày hay vài tuần là có thể tạo thành kỹ năng. Nhu cầu trang bị kỹ năng sống cho học sinh càng tăng cao càng cho thấy sự cần thiết của việc quan tâm đặc biệt đến các em của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Kỹ năng sống khi được quan tâm giáo dục trong nhà trường, được gia đình hỗ trợ phát triển bằng thực tế cuộc sống sẽ tự thân phát triển trong con người, trở thành lối sống của con người đó.  

Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH có công văn 2477 /LĐTBXH-TE về việc “Bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia các hoạt động trong kỳ nghỉ hè” gửi các Bộ: Công an; Quốc phòng; GD&ĐT; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công văn của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ, vào kỳ nghỉ hè hàng năm, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động cho trẻ em như: “Học kỳ quân đội”, “Học kỳ công an”, “Học kỳ nhân ái”, “Khóa tập tu”… Để bảo đảm an toàn cho các em khi tham gia các hoạt động nêu trên, đặc biệt là các hoạt động có lưu trú, thực hiện Điều 82 của Luật Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH các Bộ, cơ quan, đơn vị quan tâm bảo đảm một số nội dung sau: Chương trình, nội dung hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, nơi ăn, nghỉ, tổ chức hoạt động phải phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, giới tính và sự phát triển của trẻ em. Có biện pháp bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, can thiệp kịp thời để các em không bị bạo lực, xâm hại.

Khi cần thông tin, thông báo, tố giác về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, cán bộ phụ trách, nhân viên các cơ quan và trẻ em hãy liên hệ với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 (miễn phí). Tăng cường bảo đảm an toàn cho trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Rà soát, kiểm tra nơi tổ chức hoạt động; cảnh báo, nhắc nhở các em phòng tránh nguy cơ gây tai nạn, thương tích; có biện pháp xử lý kịp thời nếu xảy ra tai nạn; bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh thực phẩm.