Dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ ngày 27/4 đã khiến 450.000 người mắc bệnh và gần 16.000 người tử vong, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội, đời sống người dân Thành phố.
Theo thống kê đến ngày 18/10 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, có 48 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Số lượng này có thể tiếp tục gia tăng trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19. Cùng với những khó khăn về kinh tế gia đình, học tập, việc mất đi người thân đã để lại những sang chấn tâm lý, tinh thần, thiếu vắng người thân quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ để trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nhằm hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật; thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em mồ côi do Covid-19 với trẻ em bình thường, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) triển khai Chương trình "Care to Rise – Yêu thương Nâng bước", hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó khởi đầu là việc ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp khảo sát tình hình trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.
Chương trình Yêu thương Nâng bước được thực hiện với mục đích hỗ trợ, bảo vệ và tiếp thêm sức mạnh cho khoảng 2.000 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tới khi các em trưởng thành. Để thực hiện được các mục tiêu này, chương trình sẽ bắt đầu bằng việc thực hiện khảo sát toàn diện và đánh giá cụ thể từng trường hợp trẻ mồ côi do Covid-19 và trẻ có hoàn cảnh khó khăn để xác định các hỗ trợ phù hợp theo 3 khía cạnh thiết yếu: dinh dưỡng và các nhu cầu cơ bản, vấn đề sức khỏe/thị lực và các rối loạn lo âu có thể có do mất cha mẹ đột ngột và thay đổi nơi ở, và khả năng đáp ứng yêu cầu về thiết bị và mạng Internet để học tập trực tuyến.
Việc đánh giá nhu cầu cá nhân của mỗi trẻ mồ côi hậu Covid-19 là cần thiết để thiết kế những phương án hỗ trợ hiệu quả nhất. Mỗi một em nhỏ sẽ có có mức độ cần trợ giúp khác nhau. Dựa trên kết quả khảo sát, chương trình sẽ thiết kế một kế hoạch phát triển phù hợp và dài hạn cho từng trẻ, hỗ trợ các em cho tới khi trưởng thành cùng với thực hiện đánh giá tiến độ định kỳ và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Chương trình được triển khai theo 2 giai đoạn - khắc phục các khó khăn ngắn hạn và hỗ trợ phát triển trong tương lai.
Ngân sách thực hiện chương trình ước tính dao động từ 6,8 - 11,3 tỷ đồng (300.000 - 500.000 USD) tùy thuộc vào hoạt động đánh giá.