Nhiều thách thức trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Không thể phủ nhận, không gian mạng ngày càng mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho mọi người, như cung cấp các thông tin và kiến thức phong phú; giúp mọi người tương tác và chia sẻ cũng như giải trí... Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với trẻ.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển;
Bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống; Bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; Sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; Bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Một nghiên cứu của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) cho biết, gần 36,5% trẻ em đã phải đối diện các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet.
Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Khu vực châu Á có rủi ro xâm hại trẻ em trên mạng là cao nhất với 33%. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng dưới một số hình thức.
Năm 2022, một dự án nghiên cứu của UNICEF khảo sát với 994 trẻ em Việt Nam từ 12 đến 17 tuổi, có tới 2% cho biết trong năm qua đã bị yêu cầu trò chuyện về tình dục khi bản thân không mong muốn; 1% bị yêu cầu chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân;
8% nhận được những bình luận khiếm nhã; 5% nhận được những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Ngoài ra, trẻ cũng gặp phải nhiều đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh, video nhạy cảm hoặc thực hiện hành vi đe dọa, tống tình để ép trẻ tham gia hoạt động tình dục.
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng CyberKid Vietnam cho biết, với trẻ em, khó khăn lớn nhất là các em thường không mở lòng để chia sẻ.
Khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì lúc đấy hậu quả sang chấn tâm lý ở trẻ để lại rất dài, vì các em không có khả năng xử lý. CyberKid Vietnam có một đường dây nóng để tiếp nhận các cuộc điện thoại và tin nhắn về an toàn trên không gian mạng.
Những trường hợp nghiêm trọng, có yếu tố tội phạm, CyberKid sẽ hướng dẫn các em gọi điện tới Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và chính quyền để có thể giải quyết; nhân viên tư vấn cũng thuyết phục các em trao đổi với người giám hộ là cha mẹ nhưng nhiều em thà ngừng nói chuyện với CyberKid chứ nhất quyết không chia sẻ.
Thực trạng trên cho thấy nâng cao nhận thức người dùng trên không gian mạng là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với trẻ em.
An toàn trên mạng - Cha mẹ đồng hành bảo vệ con
Xác định và nắm bắt những thời khắc quan trọng
Khi trẻ có chiếc điện thoại di động đầu tiên, đó chính là thời điểm tốt để đặt ra các quy tắc cơ bản. Khi trẻ đủ tuổi tham gia Facebook và các mạng xã hội khác, đó chính là thời điểm tốt để nói chuyện về vấn đề chia sẻ an toàn.
Cẩn thận khi chia sẻ
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ chia sẻ thông tin có trách nhiệm bằng cách xem đối thoại trên mạng như là đối thoại ngoài đời; nếu điều đó không nên nói, thì điều đó cũng không nên được đăng tải. Cha mẹ hướng dẫn trẻ thế nào là một cuộc trò chuyện phù hợp và không phù hợp.
Bảo mật thông tin cá nhân
Cha mẹ cần dạy trẻ về quyền riêng tư, bảo mật các thông tin cá nhân, gia đình và bạn bè; Hướng dẫn con cách đặt mật khẩu mạnh và giữ bí mật mật khẩu của mình; Không cung cấp các thông tin cá nhân cho các trang web không rõ nguồn gốc, đặc biệt là không cung cấp cho người lạ; Không dùng chung mật khẩu cho các trang mạng hoặc ứng dụng; Không gặp gỡ người lạ trên các nền tảng mạng xã hội.
Sử dụng Internet tích cực
Cha mẹ nên cùng con thảo luận về mục đích sử dụng Internet, ví dụ để phục vụ cho việc học, giải trí, kết nối cộng đồng... Hãy khuyến khích trẻ tham gia các cuộc thi, khóa học, nhóm học tập, giải trí trên mạng và phân bổ thời gian hợp lý cho các hoạt động này.
Các ứng dụng bảo vệ trẻ em
Để kiểm soát các trang mạng con truy cập, phụ huynh có thể thiết lập chặn một số trang web không lành mạnh, không cung cấp mật khẩu để trẻ tự ý cài đặt các app hay trò chơi trên các thiết bị điện tử, chỉ bật webcam khi trẻ học trực tuyến.
Đừng ngại lên tiếng
Một bài học cần được ghi nhớ khi trẻ có bất kỳ một cuộc trò chuyện nào trên mạng, dù ở hình thức gì chăng nữa, đó là: Nếu trẻ cảm thấy có điều gì đáng ngờ, trẻ cần cảm thấy thoải mái khi chia sẻ điều đó với người lớn mà trẻ tin tưởng. Người lớn cần giúp trẻ phát huy hành động này qua việc ủng hộ trẻ trò chuyện cởi mở cả khi ở nhà và ở trường.
Đề nghị con hướng dẫn
Bạn không biết dùng Facebook, hoặc muốn dùng thử một dịch vụ phát nhạc trực tuyến, nhưng con bạn đã quen thuộc với các ứng dụng và trang web này, hãy đề nghị con hướng dẫn. Cuộc trò chuyện cũng có thể là cơ hội để bạn nói với con về vấn đề an toàn, quyền riêng tư và bảo mật.
Cân bằng cuộc sống
Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh để xây dựng những kỹ năng xã hội cần thiết khác thay vì dành nhiều thời gian trên môi trường mạng. Trẻ cần học cách cân bằng giữa cuộc sống thật và cuộc sống trên mạng.
Phương Anh
Ấn phẩm Vì trẻ em số 21