Đến với Điều con muốn nói, bé Đình Khôi đặt vào Chiếc hộp bí mật chiếc xe hơi đồ chơi. Em kể: “Món đồ chơi này mẹ mua cho con. Bây giờ con không thích nhưng ba ép con chơi. Ba không thương con, thường la mắng, đánh con. Ba chỉ chiều em thôi. Con chăm chỉ khi học bài trên lớp, học online, buổi tối còn làm bài tập trên lớp nhưng ba lúc nào cũng nói con phải chăm chỉ hơn. Ba chỉ nhìn thấy em học, không thèm nhìn con, chỉ có mẹ biết con học rất nhiều”.
Gia đình bé Đình Khôi có 4 thành viên gồm ba, mẹ Đình Khôi (8 tuổi) và em trai Đình Nguyên (6 tuổi). Mẹ em là giáo viên trường cấp 3, ba làm công nhân. Vì là anh lớn trong nhà, ba nói Khôi phải nhường em. Em ấm ức làm theo nếu không sẽ bị ba đánh: “Mẹ giao nhiệm vụ làm việc nhà cho hai anh em. Em suốt ngày chỉ nằm ở trên giường. Ba đi làm về thấy nhà bừa bộn, ba hỏi thì em nói con là người làm. Con cố giải thích nhưng ba không nghe và đánh con. Em thì hỗn, con thì lễ phép nhưng ba không nhìn thấy điều đó, con thấy rất bất công”, bé Đình Khôi ấm ức chia sẻ.
Chị Túy Thơ, mẹ của bé Đình Khôi buồn bã kể lại: “Món đồ chơi này, con không còn thích nữa. Em của Khôi thích chơi mấy món đồ lắp ráp, ba yêu cầu Khôi phải nhường đồ chơi cho em. Khôi ấm ức vì điều đó. Trước đây, ba rất cưng chiều Khôi. Sau khi có em, ba dời hết tình thương sang cho em. Tôi cũng không hiểu sao ba như có thành kiến với Đình Khôi. Nó xảy ra rất thường xuyên, tự nhiên và chính bản thân tôi cũng khó hiểu. Từ lúc lớp lá lên lớp mầm, Khôi bị đòn nhiều lắm. Con mặc quần áo chậm, ba cũng đánh tuy không đau nhiều nhưng con ấm ức. Dù như vậy, con chưa bao giờ nói về điều đó với mẹ”.
Chị Thơ nhiều lần can ngăn chồng vì nhận thấy cách đối xử thiên vị. Nhiều lần chị tâm sự, hy vọng chồng điều chỉnh lại cách dạy con nhưng vẫn chưa thay đổi nhiều. Chị nói: “Ba vẫn giữ quan điểm làm anh phải nhường nhịn, chịu thiệt thòi. Không hẳn là ba không thương, nhưng trong cách đối xử với, ông cứng nhắc, có thể theo truyền thống phía nhà chồng hơi gia trưởng trong việc dạy con”.
Tiến sĩ Tô Nhi A nhận xét về vấn đề của gia đình bé Đình Khôi: “Hãy lưu ý việc dạy con, cách chúng ta làm cha mẹ. Nếu chúng ta đổi xử với con không ổn thì nó sẽ còn ảnh hưởng đến những thế hệ kế tiếp. Như trường hợp người ba trưởng thành trong hệ tư tưởng lớn phải nhường nhỏ, có thể thời niên thiếu ông cũng bị bắt phải nhường em, hoặc hưởng thụ sự ưu tiên từ anh trai. Điều đó trở thành niềm tin đến khi làm cha, ông đã áp dụng, lấy toàn bộ hành vi mẫu gắn vào việc dạy con. Trường hợp của bé Khôi, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình cảm hai anh em. Bọn trẻ không thể yêu thương nhau nếu chúng cảm thấy bị ba mẹ đối xử bất công”.
MC Ốc Thanh Vân đồng ý với chia sẻ của tiến sĩ Tô Nhi A: “Sự bất công, ấm ức để lại hệ lụy khó lường. Nhiều đứa trẻ vốn dĩ rất là trong sáng nhưng lâu dần các con nuôi trong mình lòng sự thù hận, ganh ghét. May mắn khi Khôi hiểu, nói ra cho chúng ta những điều con nghĩ, vì có nhiều bé không nói, chỉ trút giận cách này hay là cách khác, để chứng tỏ con không đáng bị đối xử như vậy. Mẹ nên theo dõi tâm lí của bé để tránh trường hợp xấu xảy ra”.