Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Vì trẻ em

Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin về vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Liên quan đến vụ trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TPHCM), sáng 5/9, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã có buổi gặp gỡ báo chí thông tin về vụ việc trên.

“Thật đau lòng khi vụ bạo hành trẻ em lại xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng - nơi lẽ ra không bao giờ được phép xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em. Ngay khi nắm được sự việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có công điện gửi Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ; xác minh điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền trẻ em; đồng thời rà soát công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em”, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Cơ sở bảo trợ quá tải vẫn cố giữ trẻ lại để hút tài trợ 

Cục trưởng Cục Trẻ em thông tin về vụ bạo hành trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng - 1
 Cán bộ địa phương hỗ trợ đưa trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng về các cơ sở bảo trợ công lập của TPHCM.

Ông Nam cho biết: “Các cháu bé đã được đưa tới 13 cơ sở chăm sóc công lập khác để chăm sóc. Đến giờ phút này có thể yên tâm là các cháu đã được chăm sóc tốt, được an toàn”.

 Nói về công tác phòng ngừa tình trạng bạo hành trẻ em, người đứng đầu Cục Trẻ em cho rằng, bạo hành trẻ em có thể xảy ra ở những nơi chăm sóc trẻ nếu không có sự giám sát, kiểm tra của chính các cơ sở giáo dục và của cơ quan chức năng. 

Để phòng ngừa và kịp thời phát hiện bạo hành, xâm hại trẻ em, ông Nam cho rằng, cần đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. “Tuy nhiên, đội ngũ này đang thiếu trầm trọng, công tác trẻ em được giao cho công chức lao động xã hội cấp xã phụ trách và họ rất nhiều việc. Nếu chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra của cơ quan chức năng thì không thể đủ nhân lực thực hiện. Theo kinh nghiệm của các nước, cần có nhân viên công tác xã hội - cánh tay nối dài để giám sát việc thực hiện quyền trẻ em. Nhân viên công tác xã hội sẽ đặt lịch thăm gia đình, thăm trung tâm nuôi dưỡng trẻ em”, ông Nam nói.

 Thực tế rất khó phát hiện trẻ có nguy cơ xâm hại, bạo hành. Bởi bạo hành trẻ thường xảy ra đằng sau cánh cửa, cha mẹ hoặc người chăm sóc thay thế có thể chính là người bạo hành trẻ. Vì thế, cần có nhân viên công tác xã hội hoặc người có chức năng làm việc như nhân viên công tác xã hội để kịp thời phát hiện và hỗ trợ các em.

Người đứng đầu Cục Trẻ em cũng cho rằng, từ vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng cho thấy, cơ sở được cấp phép chăm sóc 39 trẻ, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra số trẻ nhiều gấp đôi. Thậm chí chủ cơ sở cho biết, có thời điểm số trẻ được nuôi dưỡng ở đây lên đến 100 nên vượt quá năng lực chăm sóc trẻ. 

“Việc quá đông dẫn đến việc rất có khả năng trẻ không được chăm sóc an toàn vì nhân viên làm việc quá tải. Đề nghị TPHCM thiết lập cơ chế điều phối, chuyển tuyến các ca chăm sóc trẻ để tiếp nhận thông tin trung tâm quá phép để đưa các con đến cơ sở khác.

Thực tế có tình trạng cơ sở giữ trẻ lại để thu hút nhà tài trợ, không muốn thực hiện Luật Trẻ em. Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Đó là chăm sóc trẻ tập trung chỉ là giải pháp cuối cùng, khuyến khích tìm gia đình thay thế bằng môi trường gia đình cho trẻ để trẻ được chăm sóc tốt nhất.

Vì thế, khi thanh tra, kiểm tra luôn việc các trung tâm có lập danh sách, kết nối địa phương, gia đình (nếu có) để đưa trẻ trở lại môi trường gia đình”, ông Nam nói.

Sẽ tăng cường kiểm tra để đảm bảo an toàn cho trẻ

Cung cấp thông tin liên quan vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp giấy phép hoạt động vào tháng 7/2023; chức năng, nhiệm vụ là trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang.

Đối tượng phục vụ của Mái ấm Hoa Hồng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng chăm sóc không quá 39 trẻ. Người đại diện theo pháp luật của mái ấm này là bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974). 

Theo xác minh của Sở LĐ-TB&XH TPHCM, tổng số trẻ có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng là 85. Cụ thể: 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi; 36 trẻ từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng tuổi; 30 trẻ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng tuổi; 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện. Xác minh ban đầu cho thấy mái ấm này có 26 nhân viên; thời điểm kiểm tra có 16 người đang làm việc tại đây. 

Bà Nguyễn Thành Phụng cho biết thêm, trước mắt, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị UBND quận 12 chỉ đạo công an quận phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thụ lý, điều tra, làm rõ những người liên quan hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng. Qua đó, sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật. 

Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề nghị UBND quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai. Vì đây là vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Tăng Minh cho rằng, vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng là rất nghiêm trọng. Ông Minh khẳng định, những cá nhân, tổ chức liên quan vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở bảo trợ xã hội công lập lẫn ngoài công lập để đảm bảo an toàn cho trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây. 

Ngày 5/9, công an quận 12 cho biết, đã tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương cùng các bảo mẫu, bảo vệ, nhân viên mái ấm để củng có hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, như Dân sinh đã đưa tin, ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có công điện gửi Chủ tịch UBND TP HCM về việc xử lý vụ việc bạo hành trẻ em tại cơ sở  này và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ.

 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, triển khai khẩn trương, kiểm tra xác minh vụ việc và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên.

Yêu cầu thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở nêu trên và các cơ sở khác có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;

Đồng thời, tiến hành rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TPHCM.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vân Khánh

Báo Lao động và Xã hội số 108