Không ngại khó khăn, suốt nhiều năm qua, các thầy, cô giáo Trường Mầm non xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) luôn thay nhau lên điểm trường Mùa Xuân gieo chữ cho học trò người Mông.
Bám bản nghèo vì tình thương
Cách trung tâm xã gần 30km, bản Mùa Xuân nằm lọt thỏm giữa bốn bề đại ngàn rừng núi. Bản Mùa Xuân cùng Xía Nọi, xã Sơn Thủy và bản Ché Lầu, xã Na Mèo là 3 bản người Mông xa xôi, khó khăn nhất của huyện Quan Sơn.
Trước đây, để đi từ trung tâm xã Sơn Thủy đến bản Mùa Xuân rất vất vả với cung đường độc đạo gian nan, hiểm trở bởi núi cao, vực sâu. Con đường ngoằn ngoèo “bé bằng gang tay” uốn lượn như sợi dây rừng mỏng manh, vắt qua những triền núi chập trùng, dòng suối, rồi ôm lấy bản làng.
Suốt nhiều năm liền, Mùa Xuân được xem là bản nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa bởi không điện, đường, trường, sóng điện thoại...
Những ngày đó, đồng bào Mông ở bản Mùa Xuân còn nhiều hủ tục, tập quán sản xuất lạc hậu, đói nghèo bủa vây.
Cuộc sống mưu sinh hàng ngày của dân bản vất vả, đường sá đi lại khó khăn, giao thông cách trở, nhiều đứa trẻ ở bản Mùa Xuân mới quen mặt chữ đã bỏ học theo cha mẹ mưu sinh nơi xó rừng, góc núi, những bé gái đi làm dâu, làm mẹ từ thủa 13. Chính vì thế, việc học tập của con em trong bản cũng trở nên gian nan hơn.
Cuối năm 2021, bản Mùa Xuân có điện lưới quốc gia, con đường bê tông nội bản được đầu tư mở rộng. Có điện, sóng điện thoại, đời sống dân bản được cải thiện rõ rệt. Chuyện học tập của con em trong bản đã có nhiều tiến bộ hơn trước. Mùa Xuân vì thế cũng gần hơn… để các thầy, cô giáo lên cắm bản yên tâm gieo chữ cho học trò.
Điểm trường lẻ Mùa Xuân của Trường Mầm non Sơn Thủy nằm phía trên một con suối gần giữa bản với 5 giáo viên dạy cho hơn 90 học sinh. Mùa Xuân cũng là điểm trường lẻ có đông học sinh mầm non theo học nhất của xã Sơn Thủy. Trong trường có 1 thầy và 1 cô là người Mông ở bản Mùa Xuân, các giáo viên còn lại người xa nhất quê huyện Triệu Sơn, cách bản gần 200km.
Cô Ngân Thị Vui (SN 1982), Khu trưởng điểm trường lẻ Mùa Xuân cho biết, nhà cô ở cạnh trung tâm xã Sơn Thủy, cô theo nghề dạy trẻ từ năm 2006 và đã đi đến hầu hết điểm trường khó khăn nhất của xã.
Năm học 2011 - 2012, lần đầu tiên cô lên điểm trường Mầm non Mùa Xuân công tác, gắn bó với điểm trường khi còn là khu nhà tạm tranh tre, mái lá.
Sau các đợt công tác trên bản, cô về lại trường chính, vì thương lũ trẻ, năm học 2020 - 2021 cô cùng cô Lê Thị Nhung (quê huyện Triệu Sơn) lại tình nguyện quay trở lại Mùa Xuân và ở đến bây giờ.
“Với các thầy, cô giáo đi cắm bản dạy chữ vô cùng khó khăn, vất vả. Bản Mùa Xuân nơi người Mông sinh sống ở trên núi cao, đường đi khó, cung đường nhỏ hẹp, những khúc cua tay áo sương mù bao phủ nếu không cẩn thận sẽ lao xuống vực.
Ngày nắng xe máy còn “bò” vào được bản, chứ ngày mưa đành chịu. Ai đi bản cũng sợ nhất mưa lũ, sạt lở đất. Mỗi đợt mưa lũ phải về trường chính hay trở lại bản với học trò là cả hành trình đầy gian nan bởi dốc cao trơn trượt, dòng suối nước lên cao, chảy xiết, muốn đi chỉ còn cách lội bộ băng rừng, vượt suối cả ngày trời…”, cô Vui kể.
Người phiên dịch bất đắc dĩ
Tới bản đã khó, để dạy chữ cho học trò còn khó hơn nhiều. Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và các tổ chức, đoàn thể, đến nay điểm trường Mầm non Mùa Xuân đã được cải tạo nâng cấp với các phòng học, nhà ở, nhà công vụ cho giáo viên…
Số lượng học sinh đông nhưng điểm trường còn thiếu nhiều thiết bị phục vụ dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông. Bên trong mỗi căn phòng chỉ vỏn vẹn 30m2 vừa là nơi học vừa là nơi nghỉ trưa của học sinh và tuyệt nhiên không có nhà vệ sinh riêng.
Phía ngoài sân là cầu trượt, bập bênh, xích đu… đặt trên nền đất. Hết giờ chơi, không một em nào không lấm lem quần áo, nhưng ở bản Mùa Xuân, học sinh được vui chơi thỏa thích trên bộ đồ chơi ấy là cả sự nỗ lực, cố gắng của thầy, cô giáo đã đi vận động nhà hảo tâm tài trợ cho các em.
Vốn là người bản địa, cô Thao Thị Xua (SN 1994) tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non do Trường Đại học Hồng Đức mở rồi về bản Xía Nọi công tác từ năm 2018. Năm 2022, cô Xua trở về điểm trường Mùa Xuân ngay cạnh nhà. Chồng cô Xua quê xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, cách bản Xua ở khoảng 100km.
Vì mải theo con chữ, nên ngày đó cô Xua thuộc diện “ế nhất bản”. Lấy chồng rồi, Xua vẫn quyết tâm bám trường, bám bản gieo chữ. Thương vợ, chồng Xua cũng theo vợ chuyển nhà về gần điểm trường, vừa thuận tiện trong công việc của vợ cũng như chăm sóc con cái.
Ở trường, ngoài việc dạy chữ, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em học sinh, cô Xua trở thành người phiên dịch cho các cô giáo khi mới lên điểm trường Mùa Xuân.
Cô kể: “Các cô ở điểm trường chính khi mới lên bản Mông hầu như không ai biết tiếng Mông, nhiều học sinh và phụ huynh không thạo tiếng Kinh, muốn giao tiếp phải dùng ngôn ngữ cử chỉ. Học sinh tiếp thu kiến thức chậm nên việc truyền đạt rất khó khăn.
Mình là người Mông nên giao tiếp dễ hơn. Nhiều câu các cô nói bằng tiếng Kinh khiến học sinh không hiểu, mình phải phiên dịch bằng tiếng Mông cho các em…”.
Với thầy Hơ Văn Tho (SN 1996) cũng vậy. Nhà thầy Tho ở ngay phía sau trường. Thầy Tho, cô Xua nằm trong số ít người Mông bản Mùa Xuân đã thay đổi cuộc sống khi theo đuổi con chữ.
Thầy Tho cho biết: Tốt nghiệp phổ thông cơ sở, nghe theo người bà con làm việc ở xã, mình đi học sư phạm mầm non rồi về các bản dạy. Ở huyện Quan Sơn, mình là giáo viên nam đầu tiên dạy khối mầm non với gần 10 năm kinh nghiệm.
Ngày đầu đi học rồi đến khi đi dạy còn nhiều bỡ ngỡ, không chỉ dạy chữ mà phải dạy hát, múa, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ… cho các em. Với giáo viên nữ thì dễ, nhưng với giáo viên nam khó hơn nhiều. Bây giờ mình đã thành thạo, việc chăm sóc, dạy chữ cho các em trở nên đơn giản hơn…”.
Niềm vui lớn nhất là mang tri thức đến học sinh
Mới từ trường chính lên điểm trường lẻ Mùa Xuân, gắn bó với bà con dân bản, với các em học sinh được hơn 3 tháng, cô Lương Thị Lan (SN 1997) đành gửi con nhỏ ở nhà nhờ ông bà nội, ngoại chăm sóc, học hành.
Nhớ con, Lan chỉ có thể gọi về nhà bằng những cuộc điện thoại đứt quãng bởi sóng chập chờn. Ngày nghỉ, thời tiết thuận lợi, cô Lan lại vượt núi, băng rừng gần 70km về nhà ở thị trấn huyện Quan Sơn để thăm con.
“Ở trường chính em cũng phải ở lại vì cách nhà hơn 30km, nay vào điểm trường lẻ thì xa gấp đôi, đường đi lại khó khăn, vất vả hơn. Các cô trong trường ai cũng phải luân chuyển đi các điểm lẻ. Dù khó khăn, vất vả nhưng niềm vui lớn nhất của các thầy, cô giáo cắm bản là mang ánh sáng tri thức đến với các em học sinh…”, cô Lan nói.
Nói về Ngày 20/11, Khu trưởng Ngân Thị Vui cho biết: “Ở bản Mùa Xuân, hộ nào cũng đông con, lo cái ăn, cái mặc còn khó nên hầu như phụ huynh không biết tới Ngày 20/11.
Ở trường chính, Ngày 20/11 là ngày lễ vui và hạnh phúc nhất, nhưng với các thầy, cô cắm bản nếu không về được cũng rất buồn và thấy tủi thân. Bà con dân bản thường mang bó rau hái trên rừng, quả bầu, quả bí trồng trên nương… tặng các cô để cải thiện bữa ăn. Nhờ đó, thầy, cô đi cắm bản cảm thấy vui và hạnh phúc…”.
Mộc Miên
Báo Lao động và Xã hội số 139