Hầu hết phụ huynh bối rối vì chưa tìm ra cách để giải thích với các con về chủ đề vốn được xem là nhạy cảm này. Họ thường bỏ qua các câu hỏi của con hoặc trả lời giữa chừng các câu hỏi: "Con được sinh ra từ đường nào?", "Sao con trai và con gái lại khác nhau ở chỗ đó?", "Sao ngực mẹ to hơn bố?", "Sao con không nên ngồi lên đùi khách đến chơi nhà?"… Theo bà Lê Thị Khánh Vân, chuyên gia về trẻ em, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý ngại ngùng tránh chia sẻ với các con về giới tính hay cách phòng tránh xâm hại tình dục cho đến khi con tới tuổi dậy thì. "Đến lúc đó thì cũng đã quá muộn bởi kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể là bất kỳ ai và không ai lường trước được thời gian và thời điểm xảy ra. Chính phụ huynh cũng chưa được dạy một cách hệ thống và khoa học về những nội dung này nên chưa có phương pháp dạy con một cách phù hợp”.
Nên dạy cho trẻ những kiến thức giới tính từ nhỏ.
Nhiều cha mẹ vẫn có thói quen sử dụng những từ ngữ theo kiểu trẻ con dễ thương để thay thế tên gọi chính xác các bộ phận sinh dục. Nhưng hóa ra, đây lại là việc làm 'hại nhiều hơn lợi'. Với con cái mình, cha mẹ chẳng bao giờ thiếu những cuộc đối thoại nghiêm túc, đề cập tới những vấn đề thiết thực, liên quan tới sức khỏe, an toàn và cả tương lai trẻ. Trong số đó, một bài học nền tảng mà cha mẹ cần dạy con chính là tầm quan trọng của cơ thể cũng như quyền tự chủ của trẻ với cơ thể mình.
Chuyên gia giáo dục giới tính Melissa Carnagey cho biết: "Trò chuyện với con để nâng cao nhận thức về cơ thể là những cuộc đối thoại sớm nhất cha mẹ có thể thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của trẻ".
Nói về các bộ phận của cơ thể và về quyền tự quyết định tới cơ thể mình sẽ đặt nền móng vững chắc cho trẻ khi tiếp xúc với các vấn đề khó hơn, quan trọng hơn đó là hiểu về sự đồng thuận, về những hành vi tình dục sai trái.
Chuyên gia Lydia M. Bowers nhấn mạnh: "Bộ phận cơ thể là những phần trên cơ thể. Vì thế những từ như "dương vật", "tinh hoàn", "âm hộ", "âm đạo" không phải là những từ xấu. Cha mẹ nên cảm thấy thoải mái khi sử dụng những thuật ngữ này".
"Thông thường, một cách tự nhiên và dứt khoát, người chăm sóc trẻ sẽ sử dụng các thuật ngữ chính xác chỉ bộ phận cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, mũi… Do đó, những bộ phận như dương vật, âm hộ, âm đạo, hậu môn cũng nên được đối xử như vậy", chuyên gia Carnagey đưa ra lời khuyên.
Có nhiều lý do trẻ nên học thuật ngữ phù hợp chỉ các bộ phận sinh dục thay vì cách gọi kiểu trẻ con dễ thương. Một trong số đó là sử dụng ngôn từ đúng trong đúng hoàn cảnh sẽ giúp trẻ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc hơn về cơ thể mình. Điều này cực kỳ quan trọng trong trường hợp trẻ cần nói với bác sĩ hay người chăm sóc mình về những chỗ trên cơ thể đang bị đau hoặc ngứa.
Chuyên gia Carnagey bổ sung: "Sử dụng thuật ngữ chính xác cũng giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn và nói chuyện một cách tự tin về những thay đổi trên cơ thể mà trẻ có thể trải qua khi lớn lên, đặc biệt với nhân viên y tế hoặc trong bối cảnh trẻ được học về sức khỏe của mình".
"Khi chúng ta ngại ngần sử dụng thuật ngữ chính xác, chúng ta đã truyền vào trí óc trẻ cảm giác về sự xấu hổ, ngượng ngùng, về một thứ gì đó cần phải tránh đề cập hoặc cần phải giấu kỹ. Việc dùng tên gọi chuẩn còn giúp dạy trẻ cách chăm sóc, giữ gìn cơ thể một cách sạch sẽ, khỏe mạnh. chuyên gia Bowers lý giải.
Mặc dù nhiều phụ huynh có xu hướng thường dùng uyển ngữ hoặc ngôn từ dễ thương kiểu trẻ con khi trò chuyện với trẻ nhỏ về cơ thể chúng nhưng việc này có thể dẫn tới những rắc rối đáng lo ngại.
Chuyên gia Carnagey chỉ ra rằng, một rắc rối có thể gặp phải là có quá nhiều thuật ngữ thay thế và phần nhiều trong số đó lại mang ý nghĩa khác. Nguy cơ tiềm ẩn ở đây bởi nó có thể dẫn tới tình trạng trẻ bị người khác hiểu nhầm, đặc biệt nếu trẻ vừa trải qua tình huống bị động chạm không an toàn tại bộ phận sinh dục và cần báo lại sự việc. Trẻ em cũng nên được dạy cách để biết phân biệt các bộ phận được coi là riêng tư trên cơ thể và cách gọi tên chính xác các bộ phận đó. Nhờ vậy, trẻ có thể giao tiếp rành mạch nếu chẳng may bị đụng chạm một cách không phù hợp.